Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, góp phần thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, ông Nguyên đề nghị các cơ quan báo chí tham gia tích cực tuyên truyền, có các tuyến bài chuyên sâu, lan tỏa thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật, theo hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị, thời gian tới báo chí cần tăng cường về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện và phản ánh những bất cập, thiếu sót trong công tác thực thi pháp luật. Từ đó, thúc đẩy các cơ quan chức năng điều chỉnh, cải thiện.“Báo chí không chỉ là cầu nối giữa pháp luật với người dân mà còn là còn là công cụ quan trọng trong việc xây dựng xã hội pháp quyền. Để làm được điều đó, báo chí phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, phản ánh sự việc một cách khách quan, trung thực”, ông Lợi nhấn mạnh.
Tại toạ đàm, đại diện các cơ quan báo chí đã đánh giá cao việc phát động triển khai Ngày Phát luật Việt Nam hàng năm của Bộ Tư pháp và đề xuất cách thức, giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông chính sách, các dự án luật được Quốc hội thông qua..., phát động cuộc thi tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, tăng cường lan toả hoạt động pháp luật Việt Nam trên không gian mạng...
Các phóng viên, biên tập viên cũng đề xuất cách thức, giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông chính sách, các dự án luật được Quốc hội thông qua. Đồng thời, cũng chia sẻ, trao đổi về một số nhu cầu được cung cấp thông tin về các chính sách mới của các cơ quan báo chí đối với các Bộ ngành chủ trì xây dựng Luật, kinh phí tuyên truyền; các thức tuyên truyền...
Cũng tại toạ đàm, đại diện Bộ Tư pháp đã giới thiệu mục tiêu, mục đích, kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được tập trung vào tháng cao điểm (tháng 11/2024).
Để truyền thông Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, thiết thực, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Trong đó, nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chú trọng lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật...