Gần đây nhất, đêm 27/2, lực lượng chức năng huyện M’Đrăk mật phục bắt 5 xe công nông chở 72 hộp, với khối lượng 19,112m3 gỗ tại thôn 5, xã Krông Á, huyện M’Đrăk đang di chuyển từ cửa rừng đi ra. Tiếp tục đi sâu vào rừng khoảng 3km lực lượng chức năng phát hiện thêm 42 hộp gỗ khác, với khối lượng 12,897m3. Toàn bộ đây là gỗ bứa thuộc nhóm 6. Địa điểm phát hiện và bắt giữ tại tiểu khu 789, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrăk quản lý.
Qua kiểm tra ban đầu, xác định thời gian lâm tặc khai thác số gỗ này khoảng 3-4 tháng (khoảng từ tháng 10, 11 năm 2017). Lực lượng chức năng, huyện M’Đrăk đánh giá, đây là vụ khai thác lâm sản trái phép nghiêm trọng, với số lượng lớn trên địa bàn huyện.
Còn tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, trong tháng 2 cũng xảy ra 2 vụ phá rừng liên tiếp, đã đốn hạ 33 cây gỗ quý thuộc nhóm I và nhóm II. Đầu tháng 2, Trạm kiểm lâm số 8, VQG Yok Đôn tiếp tục phát hiện 23 cây gỗ quý nằm trong khu vực rừng thuộc quyền quản lý nghiêm ngặt của Đồn biên phòng 741 bị chặt trộm. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, số gỗ này bị cưa khoảng nửa tháng, trước khi bị phát hiện, những phần gỗ tốt nhất, đẹp nhất đã bị chở đi từ trước đó. Phần bìa, cành, ngọn còn lại đo được 43m3.
Ông Phạm Tuấn Linh, Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết: trước sự việc này, lực lượng liên ngành gồm, Đồn biên phòng 741 thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Đăk Lăk, Công an huyện Buôn Đôn và lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phong tỏa hiện trường, tiến hành lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án.
Theo báo cáo, tháng 2 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra 109 vụ vi phạm lâm luật, tăng 10 vụ so với tháng trước đó. Lực lượng chức năng đã xử lý, tịch thu gần 150m3 gỗ các loại, 66 phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các vụ khai thác gỗ quý hiếm, lực lượng chức năng chỉ phát hiện sau khi phần lõi của cây đã bị tẩu tán.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 tỉnh Đăk Lăk diễn ra ngày 1/3, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Trách nhiệm chính và trước hết là chủ rừng. Chủ rừng đã thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức biện pháp, các phương án để phát hiện, ngăn chặn. Trên địa bàn mình quản lý, chủ rừng phải nắm rõ ràng khu vực nào còn gỗ, khu vực nào có thể bị xâm hại. Trong khi đó, việc phá rừng này diễn ra trong nhiều ngày, thậm chí kéo dài hằng tháng mà không biết, thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm.
Trong năm 2017, riêng Công ty TNHH Một thành thành viên Lâm nghiệp M’Đrăk, để xảy ra 35 vụ phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích hơn 17ha. Vậy nhưng, phía chủ rừng, ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc vẫn đưa ra nhiều biện minh: do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, đối tượng manh động nên không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng trong Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Phạm Ngọc Nghị chỉ đạo xử lý nghiêm chủ rừng trong việc để lâm tặc khai thác, vận chuyển trái phép hàng chục mét khối gỗ tại huyện M’Đrăk. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrăk cần chuẩn bị ngay phương án điều chuyển về nhân sự, xử lý công tác cán bộ.
“Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrăk 100% vốn Nhà nước cần xử lý trước, có đủ chứng cứ là phải xử ngay. Các ban quản lý rừng, 6 Công ty Lâm nghiệp MTV trên địa bàn tỉnh mà cứ để mất rừng là phải luân chuyển đi…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thông tin thêm.
LÊ HƯỜNG