Không còn cán bộ thú y cấp xã
Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục ở bò đã xảy ra trên địa bàn cả 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa kéo vào đến Huế. Bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng diễn biến phức tạp, xảy ra ở 4 tỉnh từ Nghệ An kéo dài đến Quảng Trị.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát và lây lan nhanh, ông Lê Đình Huệ, Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y Vùng III cho biết: Thời gian vừa qua, việc thực hiện đề án cải cách hành chính tại các địa phương đã dẫn tới các phường, xã không còn cán bộ thú y phụ trách. Vì thế, khi có dịch bệnh xẩy ra, địa phương không nắm bắt kịp thời thông tin, rất khó để dập dịch; đồng thời việc kiểm soát phòng chống lây lan cũng rất lúng túng.
Tìm hiểu tại Nghệ An cho thấy, cuối năm 2019, HĐND tỉnh Nghệ An xây dựng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, dựa trên cơ sở Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có nội dung bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y. Nếu trước đây, toàn tỉnh Nghệ An có 460 cán bộ thú y cấp xã thì từ ngày 1/1/2020, tại các phường, xã, thị trấn, công việc thú y được giao cho cán bộ nông nghiệp, địa chính, hội nông dân … kiêm nhiệm. Trong khi, hầu hêt cán bộ kiêm nhiệm này đều không có chuyên môn về lĩnh vực thú y.
Không riêng Nghệ An, tại Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, nên phần lớn nhân viên thú y cấp xã trước đây phải nghỉ việc. Cụ thể có 88/216 cấp xã có bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn là Trung cấp Chăn nuôi - Thú y; 128 cấp xã còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm, không có bằng cấp chuyên môn về chăn nuôi - thú y.
Ở Quảng Bình, từ tháng 1/2019, các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Theo đó, cán bộ chuyên trách thú y cấp xã phường cũng không còn, thay vào đó là cán bộ viên chức khác kiêm nhiệm.
Cần bố trí lại chức danh cán bộ thú y ở cơ sở
Lâu nay, cán bộ thú y xã là lực lượng tham mưu cho chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Trong tiêm phòng, đây vừa là lực lượng triển khai, vừa trực tiếp tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm.
Khi dịch bệnh xảy ra, họ là người đầu tiên chịu trách nhiệm chẩn đoán lâm sàng, điều trị và phối hợp khoanh vùng dập dịch. Khi không còn chức danh này nữa, các xã phải tìm đủ cách khắc phục, nhưng vẫn khó đáp ứng được yêu cầu.
Không chỉ các hộ chăn nuôi lo lắng, mà ngay cả chính quyền cấp xã ở nhiều địa phương cũng trở nên lúng túng, bị động khi không có cán bộ thú y. Trên thực tế, cũng đã có nhiều tỉnh đã nhìn nhận, vấn đề củng cố lại cán bộ thú y cấp xã là cần thiết nên đã có kiến nghị, đề xuất bổ sung chức danh cán bộ chuyên trách thú y cấp xã.
Tuy nhiên, có địa phương đã có thống nhất về việc này, lại gặp vướng mắc về định biên, và áp lực giảm biên… nên vẫn chưa thể triển khai. Đơn cử như ở Quảng Bình, trao đổi với phóng viên, ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Trong các cuộc họp gần đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, nhiều ý kiến đã đề nghị các huyện, thành, thị xem xét củng cố lại cán bộ thú y cấp xã. Điều này đã được Sở Nội vụ thống nhất, tuy nhiên thực tế là đang thiếu biên chế nên phải chờ bố trí, sắp xếp”
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay 6 tỉnh Bắc Trung Bộ chỉ còn duy nhất tỉnh Quảng Trị là còn giữ nguyên hệ thống thú y cấp cơ sở, còn 5 tỉnh còn lại là đã sáp nhập, cải cách. Điều này, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng, dập dịch trên đàn vật nuôi ở khu vực Bắc Trung Bộ trong thời gian qua. Do đó, việc các địa phương cần xem xét việc bổ sung chức danh cán bộ thú y ở cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch kịp thời là điều cần thiết.