A-máp thay tiếng lòng
Bà Hồ Thị Dé (tổ 2, thôn Nguyên, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong số ít những người Cor trên địa bàn huyện có tài thổi a-máp. Chiếc a-máp của bà Dé đã có tuổi đời gần 20 năm. Khi còn trẻ, bà Dé theo cha lên những cánh rừng tìm loài cây có tên a-máp, thân cây rất mỏng, thẳng tắp để bẻ mang về làm nhạc cụ hơi. Nhạc cụ này có chiều dài khoảng 25cm, trông như một chiếc đũa, đường kính chỉ khoảng 1-2mm. Người Cor cắt một đường nhỏ gần miệng a-máp để khi thổi sẽ phát ra hơi, tạo ra âm thanh như tiếng sáo. Tuy nhiên a-máp lại không có lỗ bấm trên thân như sáo, người Cor thổi a-máp bằng hơi và điều khiển hơi vừa phải để a-máp phát ra âm thanh. Bà Dé cho biết, để có một a-máp thật hoàn chỉnh, đòi hỏi có sự tinh tường trong thẩm âm, bởi đây là loại nhạc cụ tự tạo, tự diễn.
A-máp được dùng để hỏi vợ, hỏi chồng cho con cái trong nhà giữa các bậc cha mẹ với nhau. Bà Dé nói: “Người Cor trước kia không dám đến nhà hỏi gả con vì mắc cỡ và không muốn cho người khác biết. Lúc này, hai bên cha hoặc mẹ gặp nhau cùng thổi a-máp để thăm dò ý đôi bên”. Bà Dé thổi một đoạn trong lời hỏi chuyện “Con anh có con gái thì gả cho con tôi, đừng quen con nhà khác…”, a-máp như lời đối, khi gia đình phía bên đồng ý thì thổi a-máp đáp lại và không cần nói thêm lời nào. Sau đó, bên gia đình nhà trai nhờ ông mai đến nói chuyện và đi đến đám cưới.
Xưa kia, đám cưới người Cor được diễn ra 9 ngày 9 đêm. Theo thông lệ, vợ chồng qua lại nhà nhau ở đủ ngày mới xem là hoàn thành lễ cưới. Trong đám cưới, người tham gia sẽ thổi a-máp cho cả làng cùng nghe như một hành trình quen nhau của đôi vợ chồng.
Chiếc a-máp của bà Dé được giữ cẩn thận trong ống đựng bằng nứa. Hồi tháng 9/2009, lần đầu tiên người Cor huyện Trà Bồng có cơ hội đưa a-máp đi giao lưu văn hóa tại Hàn Quốc. Đó cũng là lần đầu bà Dé được tỉnh Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng chọn đi trình diễn, đưa nhạc cụ dân tộc Cor ra thế giới.
Tiếng đàn bró giữa đại ngàn
Trong các truyện cổ của người Cor có câu chuyện ông Líc, nhân vật khổng lồ, trước khi đánh giặc đã ôm đàn bró gảy vang rừng núi. Người Cor xem đàn bró như loại nhạc cụ thông dụng, dùng trong lễ hội, thường ngày, kể chuyện ban đêm… Âm thanh đàn bró còn là điệu hồn tiễn biệt người đã khuất.
Bà Hồ Thị Vân (tổ 2, thôn Nguyên, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) cầm đàn bró gảy khúc hát mừng mùa lúa vào khoảng tháng 9, tháng 10: “Một mùa lúa mới đang đến, một mùa lúa vào tháng 9 đầy nóc (nhà) là kết quả mình đã gieo trồng…”. Đàn bró được người Cor nghĩ ra khi ở những cánh rừng già, đường sá còn khó khăn, không điện, không đài, người Cor thắp đèn le lói trong các nhà sàn đơn sơ. Người Cor làm đàn bró để hát cho vui nhà, vui cửa; để gọi làng thức dậy khi mọi người đang ngủ say, bắt đầu ngày làm rẫy… mùa lúa, mùa bắp, mùa nắng, mưa… đều có tiếng đàn bró. Đàn bró còn được dùng như loại nhạc cụ cần thiết trong đám tang ở vùng núi, thể hiện sự quan tâm, nỗi lòng của người con, hàng xóm… đối với người đã khuất.
Bà Vân đã giữ chiếc đàn bró hơn 4 năm. Chiếc đàn được làm bằng ống lồ ô phơi khô, 3 phím đàn, 2 dây đàn, chiều dài cây đàn khoảng 50-60cm, đường kính 5cm, thân ống vạt một lớp dày đến ruột lóng lồ ô. Hộp âm thanh đàn được làm bằng trái bầu lớn cũng phơi khô gắn vào ống nứa. Người chơi vừa gảy đàn, vừa ấn phím đàn, hát điệu xà-ru cổ vũ động viên mọi người lao động,…
Ông Hồ Văn Khuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp cho biết: “Trà Hiệp có 4 thôn, trung bình mỗi thôn chỉ có 1-2 người biết về loại nhạc cụ này. Riêng thổi a-máp thì chỉ còn bà Dé còn thành thạo”.
Để bảo tồn, gìn giữ âm nhạc dân gian của dân tộc Cor, thiết nghĩ các ngành Văn hóa cùng chính quyền địa phương cần sớm mở các lớp truyền dạy cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ trước khi các nghệ nhân lớn tuổi đã “xế chiều”.
NGUYỄN TRANG