Phần lớn thời gian, ông làm việc trong các dự án ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ông rất chú ý đến việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người trưởng thành ở vùng khó khăn, và coi đây chính là động lực để họ thoát nghèo.
Thưa TS Colman Patrick Ross, cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam?Tôi sinh ra và lớn lên ở Ardee-một thị trấn nhỏ Ireland. Năm 18 tuổi, tôi đến Dublin để học nghề thợ mộc nhưng vẫn tiếp tục học thêm các lớp buổi tối và tham gia các công việc tình nguyện.
Và tôi đã đến với Việt Nam chính từ hoạt động tình nguyện này. Tổ chức tình nguyện đưa ra các lựa chọn gồm: Tanzania, Lào và Việt Nam. Tôi chọn Việt Nam, năm 1998 tôi sang làm giáo viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Thời gian đó rất tuyệt, tôi làm việc cùng với các sinh viên sư phạm và hỗ trợ các thày cô giáo ở trường phổ thông dân tộc. Đà Lạt trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Đến nay, tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều đồng nghiệp và sinh viên cũ. Tôi là giáo viên nước ngoài đầu tiên đến làm việc ở Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Đến nay nhìn lại, tôi thấy thật may mắn khi mình được cử đến đấy. Đà Lạt là một thành phố nhỏ nhưng đẹp tuyệt vời, với cảnh quan lãng mạn và cộng đồng dân tộc thiểu số đa dạng, độc đáo.
Thưa tiến sĩ Ross, quá trình làm việc tại nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Trà Vinh) cho ông một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển. Phải chăng có những dự án ở nơi này thành công hơn nơi khác? Theo ông lý do vì sao?Phải thừa nhận đó là thực tế. Một số vùng, một số tỉnh phát triển bền vững hơn các nơi khác. Không thể chỉ ra lý do cụ thể duy nhất để lý giải điều này nhưng phần nhiều nguyên nhân liên quan đến việc lập kế hoạch và sự tham gia của cư dân địa phương vào dự án. Những kế hoạch không sát thực tế, gây lãng phí vẫn còn tồn tại ở nơi này nơi kia, trong quá trình thực hiện các dự án phát triển.
Khi các cộng đồng dân địa phương có được cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết định thì sẽ có lợi vì họ sử dụng những kiến thức bản địa và chú trọng giữ gìn các giá trị văn hoá. Những điều này đôi khi bị bỏ qua.
Các địa phương làm tốt hơn các dự án phát triển cần được nghiên cứu và đề nghị phổ biến kinh nghiệm. Thành công ở các địa phương đó, theo tôi nghĩ phụ thuộc nhiều ở người lãnh đạo và đội ngũ nhân lực thực hiện. Chỉ có thể có sự phát triển thực sự nếu chú ý đến nội lực của địa phương. Nếu chỉ quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng sẽ không bền vững, mà cần hết sức quan tâm đến yếu tố con người và cộng đồng. Có rất nhiều điều có thể học được từ các dự án quy mô nhỏ do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số khó khăn.
Được biết, hiện ông đang là giảng viên thỉnh giảng của ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời ông cũng đã làm việc với tư cách là cố vấn cho một số bộ, ngành trong 10 năm qua. Vậy theo ông, liệu Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển bền vững?Tôi được GS TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) mời tham gia nghiên cứu về khoa học, xã hội, ứng dụng liên quan đến Phát triển vùng đồng bào DTTS và nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực tế có tính đến yếu tố văn hoá. Các cộng sự của tôi ở ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều tư liệu nghiên cứu có thể phục vụ cho sự phát triển. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển cân bằng, bền vững và tôi hy vọng rằng, tầm quan trọng của những nghiên cứu khoa học xã hội sẽ được nhìn nhận, trong khi thực tế hiện nay ở nhiều nơi, người ta chỉ tập trung vào yếu tố kinh tế.
Tôi hy vọng cá nhân tôi có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, tập trung vào những cộng đồng DTTS vùng sâu, vùng xa, những cộng đồng đang chịu nhiều thiệt thòi. Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt và nên học hỏi kinh nghiệm của thế giới.
Xin cảm ơn ông!
CẢO THƠM