Nghề nuôi ngao hai cùi và hầu Thái Bình Dương tại Vân Đồn bắt đầu từ năm 2015 và số lượng ngư dân nuôi ngao tăng mạnh qua các năm. Ông Từ Tú Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Vân Đồn cho biết, Vân Đồn có 12 xã, thị trấn, thì nghề nuôi ngao hai cùi và hầu Thái Bình Dương hiện đã lan tỏa ra 9 xã, thị trấn với hơn 1.150 hộ nuôi trồng, trong đó khá nhiều hộ là đồng bào dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng, Hoa… Tại thời điểm này có không ít hộ nuôi tới hơn 40.000 lồng, hộ nuôi ít nhất cũng 1.000 - 2.000 lồng (bình quân mỗi lồng thu hoạch 1,5 - 2,5kg).
Theo ông Dương, sản lượng ngao, hầu nuôi tại đây trong năm 2020 dự kiến cho thu hoạch khoảng 46.800 tấn (ngao: 18 ngàn tấn, hầu: 28.800 tấn). Việc thu hoạch ngao, hầu tính theo chu kỳ. Sản lượng ngao và hầu tại Vân Đồn đến thời kỳ thu hoạch cần tiêu thụ vào 2 tháng cận kề (tháng 4 và tháng 5) không dưới 10 ngàn tấn (ngao hai cùi khoảng 4.500 tấn và hầu Thái Bình Dương khoảng 6. 000 tấn).
Thị trường tiêu thụ nông sản, thủy hải sản cả nuôi trồng và đánh bắt ở Vân Đồn, cũng như Quảng Ninh các năm trước chủ yếu xuất khẩu qua biên giới sang Trung Quốc. Thế nhưng năm nay, việc xuất khẩu nông sản, thủy hải sản qua biên giới Trung Quốc dừng hẳn từ khi dịch Covid- 19 bùng phát. Hiện tại, giá hầu, ngao Vân Đồn giảm mạnh (hầu bán xô tại chỗ hiện bình quân 30 - 35 ngàn/kg, chỉ bằng 50% so với bán tiểu ngạch sang Trung Quốc).
Người dân nuôi trồng thủy hải sản Vân Đồn đang như ngồi “trên lửa”, vì đa phần các hộ đều vay ngân hàng. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ hiệu quả hơn trong việc “giải cứu” nông sản, thủy hải sản nuôi trồng, thì hàng ngàn hộ dân ở Vân Đồn, cũng như địa bàn Quảng Ninh sẽ lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ nặng.