Đến ca trực, anh Trần Bá Hòa, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Bảo Yên và các đồng nghiệp loay hoay chưa thể bắt đầu công việc do chiếc thuyền đặc dụng đang mắc cạn không thể ra sông thực hiện nhiệm vụ đo đạc. Tình trạng này thường xuyên xảy ra vào mùa khô, khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn tích nước. Nguyên nhân chính là do cách Trạm thủy văn gần 4km, đập thủy điện Phúc Long đang dâng nước chuẩn bị đi vào vận hành.
Anh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của hồ chứa nên dòng chảy trên sông đã mất tính tự nhiên. Nếu không có thủy điện, thì dù vào mùa khô, lượng nước trên sông vẫn rất ổn định. Còn hiện nay, có thời điểm nước sông gần như cạn trơ đáy có thể lội qua dễ dàng.
“Những số liệu quan trắc không phải của dòng chảy tự nhiên nên không thể căn cứ vào đó dự báo được dòng chảy theo lượng mưa. Các thiết bị đo độ bồi lắng phù sa cũng không thu thập được dữ liệu chính xác, vì ngay cả mùa lũ lượng phù sa đổ về cũng không đáng kể bởi phần lớn đã lắng lại ở các hồ chứa thượng nguồn”, anh Hòa nói.
Theo anh Hòa, tới đây, Thủy điện Phúc Long dâng nước, cả khu vực biến thành lòng hồ thì không còn gì để quan trắc, đo đạc. Điều ngạc nhiên là trong suốt quá trình khảo sát lòng hồ, lập hồ sơ xin phê duyệt dự án, Trạm Thủy văn Bảo Yên không hề được chủ đầu tư thủy điện tham vấn ý kiến.
“Khi công trình thủy điện khởi công xây dựng, tôi có hỏi thì nhận được câu trả lời hồn nhiên rằng, chủ đầu tư sẽ đền bù các cọc đo mực nước bị ngập, còn thuyền chuyên dụng vẫn nổi trên lòng hồ nên không ảnh hưởng gì”, anh Hòa bức xúc.
Được biết, Trạm Thủy văn Bảo Yên là Trạm Thủy văn duy nhất của Đài Khí tượng Thủy văn Việt Bắc đặt trên sông Chảy được xây dựng vào đầu những năm 70. Đây là Trạm cấp I có chức năng quan trắc, thu thập dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ nước và không khí, mực nước, lưu lượng nước, hàm lượng chất lơ lửng và lưu lượng chất lơ lửng. Chuỗi số liệu quan trắc trong nhiều thập kỷ qua của Trạm, đã góp phần quan trọng trong phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Thác Bà, đồng thời kết nối dữ liệu để đánh giá dự báo tình hình thiên tai bão lũ trên hệ thống sông Lô, sông Hồng.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lào Cai đã tổ chức cuộc họp giữa các ngành liên quan với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc. Tại cuộc họp này, các bên đã thống nhất, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép di chuyển các công trình đo của Trạm Thủy văn Bảo Yên (thẩm quyền thuộc Bộ trưởng Bộ TN&MT - Pv), Công ty CP Thủy điện Phúc Long có trách nhiệm chịu mọi chi phí liên quan đến việc di dời các công trình đo của Trạm Thủy văn Bảo Yên. Nhà máy Thủy điện Phúc Long chỉ được vận hành khai thác khi công việc di dời công trình đo của Trạm Thủy văn Bảo Yên thực hiện xong và đi vào vận hành ổn định.
Là người gắn bó với ngành Khí tượng mấy chục năm nay, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai lo lắng: “Các trạm thủy văn là công trình phòng, chống thiên tai của quốc gia, nếu không quan trắc, thu thập được số liệu chính xác phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, thì khi xảy ra tình huống bất ngờ gây thiệt hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm”.