Về nguyên nhân của tình trạng ùn ứ nông sản, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, Cửa khẩu Tân Thanh địa bàn huyện Văn Lãng và Cửa khẩu Chi Ma huyện Lộc Bình, Lạng Sơn vẫn chưa có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Nguyên nhân là do phía bạn Trung Quốc cần làm các công tác phòng, chống dịch Covid-19 an toàn mới nối lại hoạt động. Còn các ngành chức năng phía Việt Nam đã sẵn sàng để tiến hành các thủ tục XNK hàng hóa.
Ngày 21/12, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn đã tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc. Có thể một vài ngày tới, các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma sẽ nối lại hoạt động XNK hàng hóa một cách bình thường, nhằm giảm tải tình trạng ùn ứ nông sản hiện nay ở Lạng Sơn.
Chiều ngày 21/12, phía Việt Nam đã tiến hành khảo sát lắp đặt thêm trạm khử khuẩn theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Riêng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trong ngày, đã xuất được 110 xe hàng hóa nông sản và nhập từ Trung Quốc 280 xe hàng hóa các loại.
Liên quan thông tin một số lái xe đưa lên mạng xã hội phản ánh về việc bị thu tới 400.000 đồng/ngày đêm ở Cửa khẩu Tân Thanh, không được tắm và vệ sinh cá nhân không bảo đảm. Chia sẻ với báo chí, ông Vi Nhân Đạo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý cửa khẩu tại Tân Thanh cho biết: Ban Quản lý cửa khẩu đã lắp đặt 23 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ nước nóng và tắm miễn phí 24/24h cho các lái xe. Mỗi buổi chiều tối hằng ngày đã dự trữ thêm 18.000 lít nước phục vụ nhu cầu vệ sinh của lái xe. Hiện nay Trung tâm quản lý cửa khẩu tiếp tục gấp rút đầu tư thêm 1 khu vệ sinh nữa, để phục vụ nhu cầu tắm và vệ sinh của lái xe.
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận một số ý kiến của tài xế phản ánh, về tình trạng không có nước tắm và mỗi lần tắm phải trả 20.000 đồng, cũng như việc lợi dụng tình trạng tài xế bị nằm lại cùng xe hàng lâu ngày, mà một số hộ kinh doanh tăng giá lương thực, thực phẩm.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: Thiết kế của Khu kinh tế cửa khẩu phi thuế quan lúc đầu, chỉ đáp ứng cho nhu cầu ăn, nghỉ cho khoảng 400 người, nhưng tình trạng xe hàng ùn ứ tăng đột biến, lên đến hàng nghìn người. Vì thế, chúng tôi đã gấp rút điều chỉnh và đưa ra những giải pháp tốt nhất cho các lái xe. Các vấn đề sinh hoạt của lái xe, tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm và luôn cố gắng bảo đảm điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho họ.
Còn việc thu phí xe ô tô, hiện nay, theo Quy định số 59 của UBND tỉnh Lạng Sơn thì thu mức cao nhất đối với xe ô tô 18 tấn trở lên từ 6h sáng đến 22h đêm là 35.000 đồng, từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau là 52.000 đồng, cả ngày đêm là 87.000 đồng, không có bất cứ khoản thu nào thêm. Trung tâm quản lý cửa khẩu sẽ kiểm tra thông tin mà lái xe đã phản ánh. Hiện nay, Trung tâm quản lý cửa khẩu có số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận những thông tin phản ánh trực tiếp, để cùng lái xe xử lý những vấn đề phát sinh khi xe hàng đang bị ùn ứ ở đây.
Về vấn đề trộm cắp xảy ra ở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Ngay sau khi báo chí thông tin, lái xe bị làm phiền, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc. Đã bắt giữ 2 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tiền và gây phiền hà cho lái và phụ xe ở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh. Nên tình hình an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu được chính quyền địa phương và các ngành chức năng bảo đảm khá an toàn.
Đến thời điểm này, thì tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra hết sức phức tạp, hơn 4.000 xe hàng vẫn nằm chờ thông quan.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, là tại sao vẫn còn nhiều xe hàng nông sản đang hướng về biên giới Lạng Sơn, bất chấp tình trạng ùn ứ kéo dài? Anh Nguyễn Thế Hùng, lái xe container tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Hiện nay, các chủ hàng bên Trung Quốc cũng không có hàng nông sản Việt Nam để bán, vì nhu cầu thị trường Trung Quốc quá lớn. Các chủ hàng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao cho các nông sản của Việt Nam, nếu đưa được sang biên giới.
Tình trạng ùn ứ nông sản ở khu vực cửa khẩu xảy ra không phải lần đầu. Thời gian gần đây, mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã tích cực khuyến cáo, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý, điều hành trong việc bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, cũng như áp lực lên hạ tầng bến bãi…
Theo ghi nhận của phóng viên, do phải chờ đợi quá lâu tại cửa khẩu, nhiều mặt hàng bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí.