Hãy xem, ngay trong ngày thi THPT quốc gia 2018 đầu tiên (25/6) đã có 14 người chết, 11 người bị mất tích do mưa lũ. Rồi nữa, 18 thí sinh ở Lai Châu, Hà Giang không thể đến địa điểm thi do mữa lũ chia cắt.
Tương lai của các em rồi sẽ thế nào? Và nữa, những người bị mất tích (hoặc bị nước cuốn hoặc bị đất, đá vùi lấp)? Trên hết cả, nỗi sợ hãi của biết bao con người đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ thiên tai cao biết bao giờ được giải tỏa?
Những câu hỏi này luôn thường trực; sau mỗi lần mưa bão, lũ lụt lại được “xoáy” thêm. Nhưng “xoáy” xong rồi cũng để đấy.
Thiên tai là khó tránh khỏi. Liên tục nhiều năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều khu vực khác trên cả nước đã gánh chịu quá nhiều thiệt hại.
Nhưng đừng nghĩ thiên tai là bất ngờ, không được báo trước? đừng “bắc thang lên hỏi ông trời” như cách mà không ít chính quyền cơ sở lý giải khi thiên tai xảy ra.
Vì sao các tỉnh miền núi phía Bắc thường bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất? Vì sao tần suất cũng như cường độ của thiên tai ngày càng dày đặc, gây thiệt hại nhiều hơn?
Có rất nhiều nguyên nhân; trong đó có lý do: Đất đai ngày càng trống, đồi ngày càng trọc. Những quả đồi trơ đất đá, không còn một thảm thực vật bao phủ thì lấy gì giữ đất?
“Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!” Ấy vậy vẫn phải nói.
Chính phủ đã lệnh đóng cửa rừng. Nhưng ở một số địa phương, “cửa rừng” đã đóng nhưng… quên “cài khóa”. Thế nên rừng vẫn “chảy máu”.
Rồi nữa, những “biệt phủ” được xây bằng gỗ quý và hiếm (đương nhiên là rất nhiều tiền) bị dư luận phê phán, cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc (có sai phạm). Nhưng nó vẫn tồn tại như một sự thách thức. Hãy ngẫm những thiệt hại do thiên tai có sự góp sức của người mà thức tỉnh.
Sỹ Hào