Ông Nguyễn Văn Nha, thôn Tân Thịnh, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Từ nhiều năm nay, khi xây dựng bất cứ công trình nào, thôn đều tổ chức họp dân lấy ý kiến của bà con để cùng góp sức, góp của thực hiện. Để các chương trình, dự án đảm bảo có hiệu quả, nhân dân đã được tăng cường giám sát các dự án đang triển khai ở thôn, bản nơi đồng bào trực tiếp được thụ hưởng.
Có dịp đến các bản làng vùng đồng bào DTTS, các hoạt động như: bầu trực tiếp trưởng thôn, xây dựng quy chế tự quản ở cộng đồng dân cư, bầu chọn gia đình văn hóa… được bàn bạc rất dân chủ. Đồng thời, nhiều vùng đồng bào DTTS đã thực hiện công khai các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến nhân dân, như: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý và sử dụng các loại quỹ đất; các khoản huy động nhân dân đóng góp; kết quả bình xét hộ nghèo… Có thể nói, quá trình thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS đã tạo được những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, vẫn còn những hạn chế như: việc tuyên truyền và triển khai nội dung của quy chế chưa sâu; hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi trong vùng đồng bào DTTS chưa vững mạnh; năng lực, trình độ thực hành dân chủ của cán bộ có nơi còn yếu; tâm lý bình quân, e ngại, cào bằng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quy chế dân chủ… Vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài... cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân. Hiện, tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy cần định hướng, giải đáp kịp thời những vướng mắc cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đầu năm 2018, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã ghi nhận những chuyển biến từ phía cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy dân chủ trong nhân dân. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cũng lưu ý còn nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, cần tiếp tục được cải thiện; chính sách cần hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân…
Thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân theo quy định. Tiếp tục làm tốt hơn việc công khai minh bạch, đối thoại, thông qua tiếp dân và giải quyết các vấn đề của dân. Tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu…
HƯƠNG TRÀ