Giảm nghèo đạt 5,56%/năm
Những ngày này, đồng bào các dân tộc Raglai, Cơ-ho, Ê-đê, Hoa, Tày, Nùng,… ở Khánh Hòa đang náo nức chào đón sự kiện Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ III-2019 diễn ra trong 2 ngày 26-27/8. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, quy tụ đoàn kết các dân tộc, không chỉ riêng đồng bào DTTS mà cả cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn.
Ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết,
Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III-2019 cũng là sự kiện để đánh giá lại những kết quả nổi bật và những tồn tại cần khắc phục trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm qua. Từ đó, Đại hội sẽ đề ra những mục tiêu cụ thể để phát triển vùng DTTS và miền núi của tỉnh trong những năm tới.
Còn nhớ tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ II, được tổ chức ngày 8/12/2014, có sự tham dự của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn và người đứng đầu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, Đại hội đã tin tưởng đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4-5%/năm, tạo đột phá trong tăng thu nhập bình quân cho đồng bào DTTS.
“Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ cùng nỗ lực của đồng bào, sau 5 năm, những mục tiêu của Đại hội lần thứ II đều đạt. Đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS của tỉnh là 70,76% thì đến đầu năm 2019 giảm xuống còn 48,52%; trong 4 năm giảm được 22,24%, bình quân giảm 5,56%, riêng năm 2018 so với năm 2017 giảm 6,12%”, ông Tuấn cho biết.
Cùng với tỷ lệ hộ nghèo giảm thì thu nhập bình quân của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa cũng tăng lên đáng kể. Theo thống kê, năm 2015, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa chỉ đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; đến đầu năm 2019 đã tăng lên trên 12 triệu đồng/người/năm.
“Cú hích” từ chính sách
Trưởng Ban Dân tộc Đặng Văn Tuấn cho biết, kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh đạt được kết quả đó trước hết xuất phát từ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới,… đã tạo động lực phát triển cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Đặc biệt, là tỉnh tự cân đối được ngân sách, Khánh Hòa đã ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ đồng bào các DTTS. Năm 2016, khi bắt tay thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ mới, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ sở để UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS.
“Hộ đồng bào DTTS vay vốn để nhân rộng mô hình kinh tế thì tỉnh có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách tỉnh; hộ đồng bào DTTS có nhà ở xuống cấp, tạm bợ thì được tỉnh, huyện hỗ trợ sửa chữa…”, ông Tuấn cho biết.
Cùng với các chính sách chung của Trung ương, những chính sách đặc thù của tỉnh Khánh Hòa là “cú hích” để phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh một cách bền vững.
Phấn khởi với những kết quả đã đạt được, nhưng Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đặng Văn Tuấn cũng rất tâm tư trước những khó khăn hiện nay trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu giảm 30 số xã khu vực III, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay. Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đầu đến năm 2024 có 75% xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
“Hiện tỉnh vẫn còn 16 xã khu vực III, 65 thôn đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS và miền núi của tỉnh có 48 xã thì mới chỉ có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Tuấn tâm sự.
Những khó khăn mà Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ là một thực tế. Nhưng tin tưởng rằng, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sau Đại hội lần thứ III-2019, đồng bào các DTTS của tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đưa vùng DTTS và miền núi kéo gần khoảng cách phát triển so với các vùng miền khác của tỉnh.
KHÁNH THƯ