Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới... Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”. Thực hiện dân chủ theo đúng nghĩa chính là điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, phát huy vai trò người đứng đầu thì quy chế dân chủ mới thành công.
Từ góc độ của một người gắn với công tác dân tộc trong nhiều năm, ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, muốn đoàn kết, hòa hợp được các dân tộc và các tôn giáo, phải nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc, phương pháp đoàn kết của Đảng và Bác Hồ đã dạy, phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Ở đâu chưa giải quyết vấn đề dân chủ, chưa giải quyết hài hòa lợi ích thì khó có bình đẳng và đoàn kết thực sự. Đồng thời, phải nắm chắc lòng dân, xây tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong lòng dân, biến thành ý thức tự nguyện đoàn kết, khi đó mới có sức mạnh đại đoàn kết thực sự.
Ông Lù Văn Que nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết trước hết thực hiện tốt vấn đề dân chủ, chăm lo, giải quyết lợi ích. Giải quyết vấn đề dân chủ mới đoàn kết. Có dân chủ mới đồng thuận, có đồng thuận mới đoàn kết, nhưng có giải quyết được lợi ích mới đoàn kết. Vấn đề phải xử lý hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, giữa các dân tộc. Tôi cho rằng đây là then chốt vấn đề, vậy thì phải đổi mới vấn đề dân tộc".
Thực tế cho thấy, đại đoàn kết phải đảm bảo lợi ích của các giai cấp: công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, dân tộc, tôn giáo… để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước mà hợp lòng dân, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vì quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết sẽ rất thuận lợi. Từ đó, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, để làm được điều này, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; quan tâm giải quyết những vấn đề thắc mắc của nhân dân; đồng thời phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.
“Tiếp tục thể chế hóa quyền dân chủ trực tiếp, quyền dân chủ đại diện, để phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Cần nhấn mạnh việc cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục triển khai thực hiện cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”, ông Thường phân tích thêm.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, dân chủ không chỉ là ý chí của Nhà nước, là nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân mà dân chủ còn phải là thành quả thực tế mà người dân có thể thụ hưởng được cả về vật chất lẫn tinh thần. Có dân chủ thật sự mới có đoàn kết thật sự, mất dân chủ thì không có đoàn kết, còn nếu có thì chỉ là hình thức bên ngoài. Xây dựng nền dân chủ để từ đó phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc và dân vận.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở khẳng định: cần thực hiện quy chế dân chủ đi vào thực chất, nâng cao chất lượng cơ chế dân chủ đại diện.
Cụ thể, dân chủ gắn với quá trình phát triển kinh tế xã hội và nâng cao dân trí. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ là yêu cầu rất cao, có như thế quy chế dân chủ mới thành công, có những việc người đứng đầu cấp uỷ phải đứng ra. Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, khiếu kiện đông người phức tạp kéo dài. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Để tạo ra sự nghiệp đại đoàn kết sâu rộng, bền vững, một trong yêu cầu tiên quyết là phải phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết hài hòa lợi ích để có đoàn kết thực sự./.
Theo Vov