Trước đây, gia đình ông Hồ Thao là một hộ nghèo ở Bản Lé, xã Trọng Hóa. Để giúp hộ ông Thao có sinh kế để thoát nghèo, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, chính quyền xã Trọng Hóa đã cấp cho gia đình ông 5 con lợn giống sinh sản cùng một số vật liệu xây dựng chuồng trại.
“Từ 5 con lợn giống, gia đình tôi đã nhân đàn lợn sinh sản lên thành 11 con. Đàn lợn giống được nuôi đúng quy trình nên rất mắn đẻ. Ngoài nuôi lợn, gia đình còn nuôi gà, dê... nên luôn có thu nhập thường xuyên. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ”, ông Thao phấn khởi cho biết.
Cũng như gia đình ông Hồ Thao, được sự hỗ trợ về cây giống, vật nuôi từ hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, nên nhiều hộ ở xã Trọng Hóa đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo như gia đình Hồ Ma ở Bản Lé, Hồ Lo ở bản Trọng Hóa 1…
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Trọng Hóa là xã ĐBKK, có 890 hộ với 4.098 khẩu, trong đó có đến 95% là người dân tộc Chứt. Triển khai Chương trình 135, Trọng Hóa đã ưu tiên hỗ trợ cho bà con cây giống, con giống nhằm tạo sinh kế bền vững giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Ngoài hỗ trợ vật nuôi, trong năm 2017, từ nguồn vốn 100 triệu đồng của Chương trình 135, xã đã hỗ trợ cho bà con cây giống keo hom, phát triển diện tích trồng keo hom lên đến gần 60ha.
“Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình 135 thực sự là đòn bẩy giúp địa phương và người dân phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ này”, ông Bắc cho biết.
Theo ông Bắc, bên cạnh ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, Trọng Hóa đã lồng ghép các chương trình đầu tư như chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới... để tăng hiệu quả của các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ. Đồng thời, Trọng Hóa đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng 4 phòng học tại điểm trường K Ing, 2 phòng học tại điểm trường K Oóc với tổng số vốn huy động hơn 500 triệu đồng...
Điều ghi nhận là không chỉ ở Trọng Hóa mà ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa, việc thực hiện Chương trình 135 cũng đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Theo bà Cao Thị Hằng, Phó phòng Dân tộc huyện Minh Hóa, năm 2017 tổng nguồn vốn Chương trình 135 phân bổ cho huyện là 4,881 tỷ đồng. Với số tiền này cùng với lồng ghép các nguồn vốn khác, huyện đã bố trí kịp thời cho các xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện hỗ trợ sản xuất cho các hộ trong diện thụ hưởng.
“Điều quan trọng hơn là chương trình đã làm thay đổi tư duy và tập quán sản xuất của bà con; cùng với đó là tạo được niềm tin tuyệt đối của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, bà Hằng khẳng định.
MINH THƯ