Làm giàu cho CSDL quốc gia về dân cư
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tính đến hết quý III/2022, các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành việc kết nối chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em, với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, Bộ đã hoàn thành bổ sung căn cước công dân cho gần 14 triệu dữ liệu trẻ em và cập nhật gần 4 triệu dữ liệu trẻ em, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư.
Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL về bảo trợ xã hội; xác định việc thu thập, cập nhật dữ liệu về người lao động, hình thành CSDL thống nhất toàn quốc về lao động, việc làm và chia sẻ, liên thông với CSDL quốc gia về dân cư.
Về bảo trợ xã hội và giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH sẽ tập trung vào việc làm sạch và bổ sung căn cước công dân đối với các đối tượng bảo trợ. Đồng thời, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội với CSDL quốc gia về dân cư theo các tiêu chí kết nối, xác thực và đồng bộ dữ liệu đã được thống nhất.
Về lĩnh vực Người có công, theo Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trong lĩnh vực này đã hoàn thiện trong quý III/2022. Đồng thời, Cục Người có công đang phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2 trong xây dựng CSDL về liệt sĩ.
Tại Hội thảo tham vấn về “Hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp” được tổ chức ngày 15/12/2022, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực quan trọng về quản trị dữ liệu trong 2 năm trở lại đây. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Hoan, Việt Nam hiện có khoảng 32% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 17 triệu người, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó BHXH bắt buộc khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 1,3 triệu người; BH thất nghiệp khoảng 14 triệu người; BHYT khoảng 88 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Đẩy nhanh tiến trình xây dựng CSDL
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, hiện Bộ LĐTBXH đang chú trọng, đẩy nhanh tiến trình xây dựng, hình thành các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành về an sinh xã hội. Bộ đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin phối hợp cùng các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu đề xuất mô hình và lộ trình xây dựng Hệ thống CSDL an sinh xã hội tích hợp, đảm bảo tính thống nhất trong thiết kế, vận hành các hệ thống thông tin an sinh xã hội, đảm bảo kết nối, đồng bộ, xác thực, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, các CSDL quốc gia khác, cũng như các CSDL chuyên ngành có liên quan.
Được biết, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với WB thực hiện khảo sát, đánh giá các CSDL khác nhau, do Bộ quản lý nhằm đưa ra lộ trình hướng tới hình thành hệ thống CSDL an sinh xã hội tích hợp. Dựa trên các nghiên cứu của chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế, ngày 15/12/2022, Bộ LĐTB&XH phối hợp WB tổ chức tham vấn về “Hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả đánh giá nhanh hiện trạng một số CSDL an sinh xã hội do Bộ LĐTBXH đang quản lý; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Hệ thống CSDL an sinh xã hội tích hợp ở các nước trên thế giới.
Ngoài ra, hội thảo còn cập nhật, thông tin kết quả thực hiện chuẩn hóa, làm sạch, chia sẻ, kết nối dữ liệu của các đơn vị; và cuối cùng là đưa ra khuyến nghị về lộ trình xây dựng Hệ thống CSDL an sinh xã hội tích hợp Bộ LĐTB&XH.
Tại Hội thảo ông Christophe Lemiere, Trưởng nhóm Phát triển Con người của WB cho biết, hiện nay các bộ, ngành tại Việt Nam đã sử dụng các hệ thống số hóa. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid - 19, Chính phủ Việt Nam cũng đã tận dụng tốt thời cơ này, tổ chức triển khai chương trình làm căn cước công dân “thần tốc”, tạo ra một CSDL dân cư rất toàn diện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn mang tính riêng lẻ, chưa được kết nối đồng bộ, tạo ra sự bất tiện cho những đối tượng thụ hưởng.
“Tuy còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhưng với sự phối hợp trong thời gian qua giữa WB và Bộ LĐTBXH, tôi tin tưởng chúng ta có thể xây dựng một hệ thống CSDL an sinh xã hội tích hợp đồng bộ, thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.” ông Christophe Lemiere chia sẻ.
Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Chỉ thị đánh giá, thời gian qua, hệ thống chính sách an sinh xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhìn chung, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
“Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chínhsách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước”, Chỉ thị 21/CT-TTg củaThủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.