Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM - Cần Thơ. Thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.
Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỷ đồng với thời gian thi công 2 năm. Chiều dài dự án gần 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của dự án đối với ĐBSCL, theo đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh theo tiến độ, là đến năm 2022.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, sẽ triển khai hàng loạt dự án kết nối giao thông ĐBSCL, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 20 triệu người dân trong vùng. Ngay trong năm nay, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong thời gian tới, sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ĐBSCL với chiều dài khoảng 400km.
Trong thời gian ngắn vừa qua, nhất là năm 2020, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã bố trí nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả những công trình có ý nghĩa. Theo đó, sẽ khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 51 km, thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), sẽ khánh thành cầu Cửa Hội kết nối Nghệ An - Hà Tĩnh, sắp khởi công sân bay Long Thành vào sáng mai (5/1)…
6/11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công xây dựng với khối lượng lớn thời gian qua. Cùng với đó, các tuyến đường sắt nội đô của TP.HCM và Hà Nội, đặc biệt đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ khánh thành trong những ngày tới.
“Cùng với việc đó, tôi đã yêu cầu Bộ GTVT sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên, tỉnh An Giang với số vốn gần 1.500 tỷ đồng”, Thủ tướng nói. Nhiều công trình quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL đã được triển khai có hiệu quả trong giai đoạn này.
Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án giao thông là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL.
Để đáp ứng yêu cầu, sự “ngóng trông” của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL với trên 20 triệu dân, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, không để tình trạng làm trước hỏng sau, không phải chạy theo số lượng mà không coi trọng chất lượng.
Thủ tướng hoan nghênh 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp cam kết giải phóng sớm mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư ngay sau khi dự án khởi công; đề nghị 2 tỉnh ổn định đời sống người dân đã di dời nhường đất cho dự án.
Thủ tướng cũng mong muốn người dân vì quyền lợi của cả vùng, ủng hộ chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2022 như chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã cam kết hôm nay.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL vận dụng tốt nhất Nghị quyết 120, trước hết là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực thi tốt nhất các biện pháp chống chịu thiên tai, hạn mặn. Cùng với công trình này, các địa phương phải chuẩn bị ngay để khởi công đường ven biển.
Theo nhiều ý kiến, trong những năm qua, mặc dù hạ tầng giao thông trong khu vực đã có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ; song hiện vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, tiềm năng của khu vực. Vì vậy, tháng 4/2019, Thủ tướng đã có lời hứa với 20 triệu người dân ĐBSCL về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực, Thủ tướng đã nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải được thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặt biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và khu vực trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, trước đây dự án lại bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về hợp tác đầu tư công - tư (PPP), cũng như năng lực của nhà đầu tư dự án. Do đó, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án, Thường trực Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem việc đề cao trách nhiệm, quan tâm đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp nhằm sớm hoàn thành dự án. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Theo đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và có tần suất kiểm tra thực tế dự án được xem là nhiều nhất; trong vòng chưa đến 2 năm mà Chính phủ đã tổ chức 7 đợt kiểm tra thực tế dự án, riêng Thủ tướng thì đến nay đã 5 lần thăm và kiểm tra dự án. Qua mỗi đợt kiểm tra, Thủ tướng nhận thấy được sự tiến triển nhanh chóng của dự án, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Tiền Giang, bộ ngành Trung ương, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai dự án. Nếu như thời điểm tháng 9/2019, Thủ tướng kiểm tra dự án thì khối lượng đạt khoảng 27% thì tính đến nay khối lượng dự án đã đạt hơn 68% và hoàn thành mốc tiến độ đầu tiên mà Thủ tướng giao là thông tuyến dự án vào cuối năm 2020./.