Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua đặc biệt phát triển kết cấu hạ tầng

PV - 15:08, 18/11/2022

Sáng 18/11, tại Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Dự lễ phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 có 5.000 km - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự lễ phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 có 5.000 km - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự kiện do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức, tại công trường thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, TP. Tam Điệp, Ninh Bình.

Tham dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và 1.000 công nhân, lao động của dự án đường cao tốc.

Vừa đáp ứng yêu cầu khách quan, vừa giải quyết bức xúc Nhân dân

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về địa điểm tổ chức phát động thi đua. "Chúng ta ngồi đây nhưng vẫn nghe tiếng máy móc thi công, hoạt động của công nhân trên công trường", Thủ tướng nói. Địa điểm tổ chức tại cố đô Ninh Binh, nơi địa linh nhân kiệt. Đây cũng là nút giao giữa hành lang kinh tế Đông-Tây của tỉnh Ninh Bình, cao tốc do Ninh Bình làm chủ đầu tư kết nối với đường bộ ven biển phía Đông; kết nối di sản quốc gia Cúc Phương với đường ven biển, đường Hồ Chí Minh. Địa điểm này là sự kết hợp giữa công trình trọng điểm của Trung ương (cao tốc Bắc-Nam) và công trình trọng điểm của địa phương, kết nối giữa di sản với các công trình khác.

Điểm đặc biệt nữa là phong trào thi đua cũng là sự kết hợp của 2 nội dung: Thứ nhất là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông - chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng hiện còn gặp nhiều khó, còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển.

Nội dung này rất quan trọng, rất thiết thực, vừa đúng chủ trương, tầm nhìn, vừa đúng về hành động, nhất là giải quyết nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, khi có hạ tầng giao thông thì sẽ có không gian phát triển mới cho nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, khi có hạ tầng giao thông thì sẽ có không gian phát triển mới cho nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Và nội dung thứ hai là vấn đề "nóng bỏng", còn gây bức xúc đối với người dân, là tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công.

"Một nội dung là yêu cầu khách quan của sự phát triển, một nội dung là giải quyết sự bức xúc của người dân", Thủ tướng nói. Do đó, phong trào thi đua dễ đi vào lòng người. Từ đó, cần nâng cao nhận thức, thống nhất nhận thức, từ nhận thức ra hành động, từ hành động ra hiệu quả, mang lại sự phát triển cho đất nước.

Thủ tướng cho biết thêm, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 có 5.000 km. Nhiệm kỳ trước chúng ta dự kiến dành khoảng 165.000 tỷ đồng cho xây dựng cao tốc và giải ngân được 134.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ này chúng ta đã nỗ lực huy động 470.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông trọng điểm, từ nhiều nguồn: Đầu tư trung hạn, tiết kiệm chi tăng thu và cắt giảm các công trình chưa cấp thiết (cắt giảm khoảng 5.000 dự án so với nhiệm kỳ trước), chương trình phục hồi kinh tế và kết hợp nguồn vốn Trung ương với địa phương.

Do đó, nội dung của phong trào thi đua thuộc lĩnh vực được đầu tư lớn nhất trong các loại hình đầu tư. Theo Thủ tướng, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, bởi khối lượng công việc thời gian tới rất lớn, 10 năm trước cả nước chỉ có hơn 1.000 km cao tốc, trong khi từ nay đến năm 2025 phải có 3.000 km.

Thủ tướng cho rằng, nội dung thứ hai là thực hành tiết kiệm, một nét văn hoá, đạo đức của người Việt Nam. Tiết kiệm phải đi vào tiềm thức con người, đi vào từng công việc cụ thể, giai đoạn cụ thể, vào từng việc rất nhỏ như ra về tắt điện, đi công tác gọn nhẹ nhất, đỡ tốn kém nhất, nhanh nhất có thể, tiết kiệm họp hành để giảm chi phí, đến những việc lớn như làm cao tốc, các công trình trọng điểm, phát triển hạ tầng. Nếu làm chậm tiến độ, kéo dài thì đội vốn, gây lãng phí lớn. Theo Thủ tướng, điểm chung của 12 dự án yếu kém của ngành công thương là kéo dài và đội vốn. "Lãng phí này còn rất lớn, gây bức xúc cho Nhân dân", Thủ tướng nhìn nhận. "Chúng ta đã làm được nhiều việc nên nước ta mới có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày nay. Nhưng còn có vấn đề gây bức xúc cho người dân, là tiết kiệm, lãng phí, chống tiêu cực, tham nhũng".

Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trường thi công sự án đường cao tốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trường thi công sự án đường cao tốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều phong trào thi đua góp phần thay đổi cuộc sống của Nhân dân

Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 74 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), hàng trăm phong trào thi đua yêu nước đã và đang được phát động, tổ chức thực hiện sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên toàn quốc. Đây là động lực tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động có hiệu quả sức người, sức của, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua yêu nước dần trở thành truyền thống quý báu, một nét văn hóa đặc sắc, một di sản của dân tộc ta.

Điển hình như các phong trào "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "3 sẵn sàng", "5 xung phong", "3 đảm đang"… đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ hòa bình, các phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"… đã tạo động lực, sự đoàn kết, phát huy nội lực, góp phần thay đổi cuộc sống của nhân dân.

Thủ tướng nhắc lại một phong trào thi đua đặc biệt, ai cũng nhớ tới trong 2 năm qua, khi ngày 9/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn quốc chống đại dịch COVID-19. Và ngày 14/8/2021, vào giai đoạn cao điểm nhất của phòng, chống đại dịch, chúng ta phát động phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch. Tinh thần đại đoàn kết, "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" đã góp phần tạo nên chiến thắng đại dịch.

Đến nay, phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng tăng 8,83%, lạm phát kiểm soát dưới 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng lao động).

Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp

Thủ tướng nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất".

Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của đại đoàn kết, do đó, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, khắc phục các mặt hạn chế, như các bất cập thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tiếp cận vốn cho người dân. Đây là bài học kinh nghiệm khi làm việc gì cũng phải huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp và nhiều biện pháp.

Từ nhận thức, hành động đến hiệu quả là cả quá trình, đòi hỏi phải xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp cả nước tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành công việc hàng ngày của mỗi tổ chức, người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trườngtrò chuyện với người dân và người lao động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trường trò chuyện với người dân và người lao động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, khi có hạ tầng giao thông thì sẽ có không gian phát triển mới cho nền kinh tế. Phải rà soát hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách; các hoạt động phải công khai, minh bạch, chống lãng phí. Tập trung thực hiện đầu tư các công trình không được dàn trải, lãng phí. "Làm việc gì dứt điểm việc đó".

Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng công tác truyền thông chính sách; mong phong trào thi đua này và các phong trào thi đua trước đây sẽ đi vào lòng người; mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực làm tốt nhất có thể, bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Thủ tướng mong các bộ, ngành, địa phương sau sự kiện này tiếp tục phát động các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương, làm sao để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua. "Chúng ta phải có kế hoạch sơ kết hằng năm để đánh giá, nhìn lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được để rút kinh nghiệm để năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; tiếp tục chọn các công trình, công việc để tổ chức phát động thi đua thiết thực, hiệu quả".

Tại Lễ phát động, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Ủy ban, các tổ chức chính trị-xã hội và 48 tổ chức thành viên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp Nhân dân nắm vững mục đích, ý nghĩa, nội dung phong trào thi đua, tạo đồng thuận cao, nhiệt thành ủng hộ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công thực hiện các công trình dự án. Trọng tâm là đồng thuận ủng hộ công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng; hòa giải, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh (nếu có) ngay từ cơ sở, trong từng dự án, công trình. Hỗ trợ cao nhất để các công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng vì lợi ích quốc gia, cộng đồng dân cư và đời sống của người dân…

Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thấm nhuần lời dạy của Bác "Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ", "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải; cơ quan, đơn vị, các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công quyết tâm: Tập trung cao độ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các dự án, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bảo đảm chất lượng, tiến độ; góp phần thực hiện thắng lợi phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nêu rõ, tỉnh Ninh Bình có vị trí chiến lược, quan trọng, là cửa ngõ cực Nam khu vực miền Bắc, điểm giao thoa của 3 vùng kinh tế: Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ và Duyên hải miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tập trung quy hoạch và huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả tối đa các tuyến đường giao thông quốc gia. Từ thực tế của địa phương đã chứng minh đây là chủ trương, quyết sách vô cùng đúng đắn, khi kết cấu hạ tầng được đầu tư đã tạo ra bước chuyển biến, động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, khẳng định "đường đi đến đâu, văn minh đến đó" và "địa phương nào giao thông phát triển, thì kinh tế-xã hội phát triển"…

Thủ tướng tặng quà cho người lao động tại các dự án cao tốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tặng quà cho người lao động tại các dự án cao tốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoàn thành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 vào 31/12/2022

Trước khi dự Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra việc thi công tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Dự án đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 nối Ninh Bình- Thanh Hóa có chiều dài hơn 63 km, đi qua tỉnh Ninh Bình hơn 14 km và Thanh Hóa hơn 49 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Nghe nhà thầu báo cáo tiến độ dự án, Thủ tướng nêu rõ, sớm đưa dự án vào vận hành ngày nào thì người dân được hưởng lợi ngày đó. Do đó, cần tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", bảo đảm kịp tiến độ, chất lượng và không để xảy ra tiêu cực. Cần chú trọng bảo đảm an toàn lao động cho anh em công nhân.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, đơn vị nhà thầu khẳng định cam kết hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2022.

Theo Bộ GTVT, 10 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang thi công đã đạt khối lượng xây lắp 55,8% giá trị hợp đồng.

Đối với 4 dự án: Cam Lộ-La Sơn đưa vào khai thác và Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây thông xe kỹ thuật trong năm 2022 đạt khoảng 73,3% giá trị hợp đồng./.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin nổi bật trang chủ
Chủ tịch Quốc hội kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị ICAPP 12

Chủ tịch Quốc hội kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị ICAPP 12

Chiều 24/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã về đến Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).
Quảng Nam: Sạt lở làm sập tường một điểm trường ở Nam Trà My

Quảng Nam: Sạt lở làm sập tường một điểm trường ở Nam Trà My

Tin tức - T.Nhân-H.Trường - 1 giờ trước
Tối 24/11, thông tin từ UBND xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho hay, chiều cùng ngày, một vụ sạt lở đất xảy ra tại điểm trường Răng Chuỗi (thuộc thôn 1).
Gia Lai: Đặc sắc Lễ hội cỏ hồng huyện Đak Đoa

Gia Lai: Đặc sắc Lễ hội cỏ hồng huyện Đak Đoa

Tin tức - Ngọc Thu - 1 giờ trước
Từ ngày 23 - 25/11, tại đồi thông xã Glar, UBND huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ hội cỏ hồng, Ngày hội Văn hóa các dân tộc và Phiên chợ hàng nông sản của địa phương.
Quảng Ngãi: Mưa lớn khiến nhiều nhà ngập nước, đường giao thông sạt lở

Quảng Ngãi: Mưa lớn khiến nhiều nhà ngập nước, đường giao thông sạt lở

Tin tức - T.Nhân-H.Trường - 1 giờ trước
Tính đến chiều 24/11, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến cho hàng chục hộ dân bị ngập nước, tình trạng sạt lở diễn ra trên nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi.
Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS

Công tác Dân tộc - Lê Hằng - Như Anh - 4 giờ trước
Thực hiện Tiểu Dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với chính quyền địa phương trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng.
Quảng Ngãi: Phát hiện hộp chứa hơn 1.500 viên ma túy dạt vào bờ biển

Quảng Ngãi: Phát hiện hộp chứa hơn 1.500 viên ma túy dạt vào bờ biển

Tin tức - T.Nhân-H.Trường - 5 giờ trước
Chiều 24/1, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã kiểm tra và xác định 1.517 viên nén đã thu gom trong đêm 23/11 tại bờ biển gành Đám Nhím (thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có chứa chất ma tuý.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông dự Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV tỉnh Phú Thọ

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông dự Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV tỉnh Phú Thọ

Ngày 21/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề: "Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững”.
Bình Định: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Bình Định: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Công tác Dân tộc - T.Nhân-H.Trường - 5 giờ trước
HĐND tỉnh Bình Định vừa thông qua Nghị quyết về Chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bình Định: Triển khai hiệu quả Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719

Bình Định: Triển khai hiệu quả Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719

Công tác Dân tộc - T.Nhân-H.Trường - 5 giờ trước
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Trong đó có việc tập trung triển khai Dự án 1, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo có chỗ ở ổn định.
Quảng Nam xuất hiện nhiều điểm sạt lở do mưa lớn

Quảng Nam xuất hiện nhiều điểm sạt lở do mưa lớn

Tin tức - T.Nhân - H.Trường - 5 giờ trước
Ngày 24/11, theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Nam Trà My và Bắc Trà My khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Bình Định: Mưa lớn gây ngập, sạt lở một số tuyến đường giao thông ở An Lão

Bình Định: Mưa lớn gây ngập, sạt lở một số tuyến đường giao thông ở An Lão

Tin tức - T.Nhân-H.Trường - 5 giờ trước
Sáng 24/11, ông Đỗ Văn Biểu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Lão cho biết, do mưa lớn từ đêm 23 đến trưa 24/11, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to. Mưa lớn khiến một số tuyến đường bị ngập, sạt lở.
Quảng Ngãi khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa, lũ

Quảng Ngãi khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa, lũ

Tin tức - T.Nhân - H.Trường - 5 giờ trước
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ứng phó mưa, lũ và khắc phục các thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.