Đây là hội nghị giao ban lần thứ 2 kể từ Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7/2020. Sau Hội nghị đó, Chính phủ đã tổ chức 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này. Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công. “Chúng ta làm việc đó đến đâu để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc mà từ trước đến nay thường mắc phải”, Thủ tướng nêu rõ. “Nói trên giấy tờ thì dễ, cứ bàn mà không xúc tiến thì không được”. Ví dụ như khâu giải phóng mặt bằng là một ách tắc, nếu không vào cuộc tích cực, vận động nhân dân ủng hộ thì sẽ khó khăn.
Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cần thiết như phân bổ vốn nhanh, “vậy chúng ta đã phân bổ vốn hết chưa, vì sao chưa phân bổ hết”, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số dự án công trình quan trọng được giải quyết đến đâu, Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể về dự án đường cao tốc Bắc-Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ…
Đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ. “Hôm nay, chúng ta rà lại những việc chúng ta đã nói, có kinh nghiệm gì, có vướng mắc nào để tháo gỡ”.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hội nghị hôm nay “rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuê xoa, dễ dãi, tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương mà nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn”. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 tuân thủ nguyện tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).
Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%).
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.