Khát vọng sống và yêuKể về anh trai, ông Tuấn tự hào: Anh trai tôi-Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh rời mái trường cấp 3 Việt Trì khi vừa mới học hết lớp 9 và nhập ngũ vào tháng 8 năm 1964. Anh đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường Đường 9 (Khe Sanh, Quảng Trị). Năm 1972, khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, anh là trợ lý tác huấn Trung đoàn pháo binh 58-Sư đoàn 308 Anh hùng. Chiến trường đỏ lửa vẫn không làm anh chùn bước. Anh luôn nỗ lực vượt lên chính mình; luôn khát vọng sống và yêu đến lạ kỳ. 14 cuốn sổ nhật ký với trên 100 bài thơ cùng các dòng suy tư, trăn trở anh đã ghi lại ròng rã trong suốt 8 năm chinh chiến cho tới trước lúc anh hy sinh đã minh chứng cho điều đó.
Sau nhiều trăn trở, ông Bùi Hùng Tuấn đã biên tập và xin phép xuất bản tập nhật ký thành sách, rút gọn còn 675 trang. Xuyên suốt cuốn nhật ký là những câu chuyện hào hùng mà lãng mạn, là những tâm tư, suy nghĩ, trải nghiệm trong cuộc đời của người lính được viết một cách gần gũi, chân thực. Dù vẫn có những lúc khát khao, dằn vặt rất riêng, thế nhưng bao trùm tất cả là một tinh thần lạc quan, quật khởi, luôn hướng về tương lai tươi sáng của chàng trai đất Phú Thọ.
“…Ngày 01/07/1967: Đi chiến đấu là niềm vui bất tận/ Là mặt trời tỏa nắng nhuộm đời xuân. Mình bơi vào cuộc sống với nhịp thở đang nghẹt của hai miền…. Những người trẻ tuổi đã biết hiến thân, hiến sức với bầu máu nóng và thớ thịt căng da với cả một tấm lòng trong đẹp và ý chí kiên cường. Một tâm hồn nồng cháy, hồn nhiên của tuổi thanh xuân…”(Trích Nhật ký:
Khát vọng sống và yêu)
Trong bức thư gửi người anh trai-Liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh, ông Tuấn viết:
Sau này, em được biết là một người đồng đội thực hiện lời trăng trối của anh đã mang chiếc ba lô cùng bộ nhật ký anh viết trong suốt những năm anh ở chiến trường về cho gia đình mình… Qua quyển nhật ký này, em được biết nhiều thông tin, nhiều bài thơ và nhiều trang nhật ký với một khát vọng sống và yêu cháy bỏng của anh. Khi đi nghĩa vụ quân sự, em đã mang theo cuốn nhật ký mà đồng đội có vẽ sơ đồ nơi chôn cất anh lúc anh hy sinh với mong ước sẽ đi tìm mộ anh. Những trang nhật ký ấy như thôi thúc, mách bảo em sẽ thực hiện cho được những ước mơ, hoài bão ấp ủ của anh còn dang dở. Đó là ước mơ khi đất nước hòa bình, anh trở về sẽ làm người thầy giáo để truyền thụ tri thức và mang lại niềm vui cho trẻ thơ….”.Viết tiếp những ước mơ“Ngày 1/7/1967: … ta ra đi, đi khắp các miền quê xa xôi của Tổ quốc đề tìm tự do, độc lập… Các em ơi! Anh sẽ ra đi để cho các em luôn được cắp sách tới trường mà không phải suy nghĩ, lo âu. Các em sẽ mặc áo hoa, áo trắng trên sân trường. Các em sẽ tha hồ đá bóng, tha hồ chạy nhảy tung tăng…”(Trích Nhật ký:
Khát vọng sống và yêu)
Ông Tuấn kể: “Mơ ước của Bùi Kim Đỉnh thật giản dị. Đó là được thấy và được chăm lo cho việc học hành của thế hệ tương lai… Trong những câu chuyện hằng ngày với bố sau khi anh hy sinh, tôi vẫn thường thấy ông nhắc lại đầy ưu tư, nên không hiểu từ khi nào, một sự thôi thúc mãnh liệt trong tôi là phải thực hiện cho được ước mơ của người đã khuất.
Lần theo những trang nhật ký, tôi tìm gặp những người bạn cũ của anh Bùi Kim Đỉnh. Họ đều ủng hộ việc thành lập Quỹ học bổng mang tên anh để giúp đỡ cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi, ông Tuấn tâm sự.
Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh ra đời, hoạt động với quy mô nhỏ, tại chính ngôi trường liệt sĩ đã từng theo học, Trường THPT Việt Trì. Ngoài sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè, đồng đội, toàn bộ số tiền thu về thông qua việc phổ biến các ấn phẩm liên quan đến tập nhật ký Bùi Kim Đỉnh được gia đình liệt sĩ góp lại, trao cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi của nhà trường. Đến nay, quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh đã xét cấp gần 100 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Trong mỗi phần học bổng, gia đình ông Tuấn đều cẩn thận ghi lưu bút đề tặng thêm một cuốn nhật ký “khát vọng sống và yêu”. Đây được ví là một món quà từ quá khứ gửi đến thế hệ sau.
Sau này, bằng tình cảm và nỗ lực của mình, ông Bùi Hùng Tuấn tiếp tục kết nối để thành lập Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh tại các ngôi trường của tỉnh Quảng Trị. Nhờ đó, hiện nay, cuốn nhật ký “Khát vọng sống và yêu” đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Tại Quảng Trị, nhiều bạn đọc cảm thấy ấm lòng khi vừa mua được một cuốn sách giàu tính giáo dục truyền thống, vừa có thể chung tay giúp học sinh nghèo. Ai cũng mong muốn quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh ngày càng phát triển và chuyện về người liệt sĩ “sống đẹp như một bài ca” sẽ mãi mãi được lưu truyền.
“Anh Đỉnh kính mến. Em biết là anh đã rất vui. Vui cùng em trong mỗi chặng đường ta đã trải qua. Vui cùng em trong những cuộc gặp gỡ và vui cùng niềm vui của các em học sinh.… Em cũng không còn thấy nét ưu tư trên khuôn mặt bố mỗi khi nhắc đến ước mơ làm thầy giáo của anh! Em biết, những điều em và đồng đội, bạn bè anh làm hôm nay đã phần nào thỏa nguyện ước mơ của anh và nỗi niềm của bố. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để Quỹ học bổng mang tên anh sẽ đến được với nhiều em nhỏ khó khăn… Hơn ai hết, đó là những niềm vui của các em học sinh khi nhận được sự tiếp lửa thông qua những phần quà tặng từ quá khứ của anh để lại!”.Dòng tâm thư ông Tuấn viết cho anh trai cũng là để tự nhắc nhở bản thân mình: cuộc hành trình chưa chấm dứt. Ông còn phải đi đến nhiều miền đất nữa để giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học và truyền bầu nhiệt huyết tuổi trẻ qua những dòng nhật ký bất hủ của người anh trai mình-Hành trình thực hiện khát vọng sống và yêu của người đã khuất….!!!
NGỌC TUẤN