Không chỉ riêng dự án này, nhiều dự án ở các địa phương khác cũng thuộc diện di dời khẩn cấp, như khu tái định cư Piêng Luống, xây dựng 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành; trong khi người dân vẫn phải sống lay lắt bên mỏm sông chưa biết sụp xuống lúc nào.
Thấp thỏm, lo lắngCó mặt tại khu tái định cư Piêng Luống, trong những ngày trời đổ mưa tầm tã. Chúng tôi không khỏi xót xa chứng kiến những công trình dang dở nằm phơi mình trong gió mưa. Gần 10 năm triển khai, khu tái định cư Piêng Luống mới thực hiện được các hạng mục như, san nền; đường giao thông vào khu tái định cư; xây dựng hệ thống nước tự chảy; làm đường điện và trạm biến áp 100 KVA,đường giao thông nội vùng... nhưng trong đó một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Điều đáng nói, suốt 10 năm khu tái định cư an toàn “treo” trước mặt, nhưng người dân vẫn phải sống ở nơi ở cũ vô cùng nguy hiểm. Chị Lương Thị Minh, bản Tiến Thành, chia sẻ: “Nhà tôi nằm sát bờ sông Dinh, cứ mỗi năm, mùa mưa lũ chảy xiết cuốn trôi nhiều diện tích đất vườn nên rất sợ. Theo đà sạt lở này, chỉ thời gian ngắn nữa nhà ở cũng sẽ không còn”.
Theo chị Minh, khi Dự án di dân được cấp trên triển khai, gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay, khu tái định cư vẫn dở dang, các công trình đã đầu tư qua mưa lũ, nắng hạn đã trở nên hoang tàn, trong khi sạt lở vào gần đến nhà.
Gia đình anh Lương Văn Hùng 10 năm qua, cũng sống với nỗi lo sạt lở. Anh Hùng, cho biết: Gia đình anh sống ở đây đã bao đời nay; thế nhưng khoảng 10 năm lại đây, do tình trạng khai thác cát sỏi đã làm cho dòng chảy của sông Dinh thay đổi, không có bồi mà năm nào cũng gây sạt lở; “gia đình tôi mỗi năm mất từ 100 đến 200m2 đất ở và đất sản xuất. Bà con sống gần bờ sông đều chung hoàn cảnh vậy”.
Còn phải đề xuất đến bao giờ?Nói về khu tái định cư này, ông Hà Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành, cho biết: Vào mùa mưa lũ địa phương luôn phải cắt cử lực lượng túc trực giúp dân nên khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng khu tái định cư cho các hộ, chính quyền xã đã khảo sát vị trí, địa điểm, tích cực giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu sao đã gần 10 năm thi công mà vẫn chưa xong.
Dân kiến nghị, chính quyền cũng chỉ biết tiếp thu và đề xuất lên huyện để có phương án giải quyết. Đặc biệt, trong nhiều lần tiếp xúc Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, người dân và chính quyền xã cũng liên tục có ý kiến và trình bày nguyện vọng nhưng chỉ nhận được câu trả lời là tiếp thu ý kiến và nghiên cứu để sớm có giải pháp…
Được biết, theo kế hoạch, khu tái định cư triển khai xây dựng từ năm 2009-2011. Do gặp khó khăn về nguồn vốn nên đến nay, mới giải ngân được hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng còn lại theo dự toán chưa được đầu tư là để xây dựng trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ dân làm nhà, công trình điện, nước sinh hoạt…
“UBND huyện cũng đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án còn lại để người dân có thể di dời về khu tái định cư an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Trương Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Quỳ Hợp cho biết.
Mới đây, Đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An do ông Huỳnh Thanh Điến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tập trung các nguồn lực để hoàn thành xây dựng và chuyển người dân đến ở tại khu tái định cư trước mùa mưa lũ năm nay.
Ngoài ra, tiếp tục phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng đã hướng dẫn UBND huyện Quỳ Hợp rà soát lại nhu cầu của các dự án trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, có trình mức vốn cho Dự án Piêng Luống, xã Châu Thành là hơn 10 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư 8 nội dung là các hạng mục cơ sở hạ tầng còn dang dở...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không hiểu lý do vướng mắc từ đâu, đến nay nguồn vốn vẫn chưa được cấp về để tiếp tục triển khai hoàn thiện Dự án.
Mùa mưa bão năm nay đã đến; khu tái định cư vẫn chờ vốn điều đó có nghĩa là, 50 hộ dân tiếp tục sống lay lắt bên mỏm sông chưa biết sụp xuống lúc nào.
Dự án định canh định cư tập trung tại bản Piêng Luống, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhằm đón 50 hộ dân, với 217 nhân khẩu, của 5 bản: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon và Na Án nằm trong vùng nguy cơ sạt lở của sông Dinh đến ở. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư gần 18,7 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009. Tuy nhiên, đã gần 10 năm triển khai xây dựng, đến nay, Dự án vẫn dở dang, người dân ở đây vẫn phải tiếp tục sống trong thấp thỏm lo lắng ngay trong mùa mưa lũ này.
MINH THỨ