Điều đáng nói là, những năm gần đây, những hộ dân này liên tục phải đối mặt với nguy cơ sạt lở vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, vì một vài lý do mà những hộ dân này chưa được chính quyền giải quyết hỗ trợ, đưa ra phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bài 3: Tính mạng con người là trên hết
Ông Lưu Quang Phùng là một trong những hộ dân sinh sống tại tổ dân phố số 2 chia sẻ: Mùa mưa lũ năm 2017, gia đình ông cùng 3 hộ gia đình khác là hộ bà Đào Thị Lan, ông Trần Văn Được và bà Trần Thị Quỳnh đã bị đất đá từ ta luy sau nhà sạt lở gây vùi lấp một phần nhà ở và nhiều tài sản khác, rất may không thiệt hại về người.
Tương tự, bà Vũ Thị Chinh, chuyển về đây sinh sống từ những năm 90 của thế kỷ trước. Những năm qua, gia đình bà luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về, vì sát ngay đằng sau nhà, là ta luy cao hàng chục mét có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào. Bà Chinh cho biết, bà rất mong muốn được di dời đi nơi khác nhưng gia đình không đủ điều kiện nên đành phải sống chung với mối nguy hiểm chực chờ.
Theo ông Vũ Đức San, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Phố Mới, các hộ trong tổ dân phố đã nhiều lần viết đơn, đề xuất kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Họ mong muốn cơ quan các cấp có giải pháp cụ thể giúp họ tránh khỏi nguy cơ sạt lở, đặc biệt là trước mùa mưa này. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc gặp mặt, tiếp xúc người dân vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ của chính quyền.
Còn ông Nguyễn Cao, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Phố Mới cho biết: Chính quyền khá lúng túng trong giải quyết vấn đề người dân tổ dân phố số 2. Hiện các cơ quan chức năng chỉ có duy nhất giải pháp là tuyên truyền, cảnh báo người dân mỗi khi có mưa bão. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của phường cũng trực thường xuyên trong ngày mưa bão để có thể ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp tuyên truyền chắc chắn không thể đẩy lùi được thiên tai. Để giải quyết vấn đề này, người dân đã từng trình bày 2 phương án. Phương án thứ nhất, người dân mong muốn chính quyền tiến hành san gạt hạ thấp ta luy. Song, phương án này khá tốn kém nên rất khó thực hiện.
Phương án thứ hai, người dân mong muốn được bố trí quỹ đất cũng như kinh phí hỗ trợ di chuyển. Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND phường, đến thời điểm này còn một số hộ chưa được cấp quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Cũng chính vì lý do đó mà các hộ dân tại tổ dân phố số 2 không thuộc diện được di dời, cũng như ổn định tại chỗ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu đất thuộc tổ dân phố số 2 này, trước năm 1993 được quy hoạch trong dự án trồng cây xanh của thành phố. Song đến năm 1996, dự án này không thực hiện được. Theo đó, các hộ dân chuyển về sinh sống, ban đầu chỉ một vài hộ sau đó đông dần lên. Quá trình họ sử dụng đất không có bất cứ một tranh chấp nào, và hoàn thành đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Đến năm 2004, người dân nhiều lần đề nghị tỉnh, thành phố chuyển đổi quy hoạch thành khu dân cư; đến năm 2006 đề nghị của các hộ dân được tỉnh Lào Cai đồng ý. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của mưa lũ khu vực này có nguy cơ sạt lở rất cao.
Như vậy, mặc dù nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ, nhưng phần đất này có thể nói là người dân sử dụng “hợp lệ” và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước hàng chục năm nay. Vì vậy, đứng trước nguy cơ thiên tai, người dân tổ dân phố số 2 cũng cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Dù vì bất cứ lý do nào thì điều quan trọng nhất là cần đảm bảo tính mạng của người dân.
Người dân và chính quyền địa phương mong mỏi, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện linh động sớm giải quyết kịp thời nỗi hoang mang, lo lắng của người dân trong những ngày mưa lũ.
TRỌNG BẢO