Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2022 - 2025, hộ gia đình được coi là hộ nghèo nếu đáp ứng các tiêu chí: Thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; Thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).
Trước đây, tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, tiêu chí hộ nghèo được áp dụng đến hết năm 2021 như sau: Ở thành thị: Thu nhập bình quân từ đủ 900.000 đồng/người/tháng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn ở nông thôn: Thu nhập bình quân từ đủ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng – 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Như vậy, so với quy định cũ, từ năm 2022, tiêu chí về hộ nghèo đã thay đổi, đặc biệt là tăng mức thu nhập để được xét là hộ nghèo.
Do đó, với tiêu chí mới, có thêm rất nhiều hộ gia đình được xếp là hộ nghèo. Theo Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, người thuộc gia đình nghèo nằm trong diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT, tức là được cấp thẻ miễn phí hằng năm.
Liên quan đến vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn 4242 đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai việc rà soát, kịp thời lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/1/2022 theo quy định.