Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc sáng 26/1. Đại hội được tiến hành với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Sự kiện chính trị trọng đại này của Việt Nam đã trở thành tâm điểm của truyền thông trong và ngoài khu vực. Đưa tin đậm nét về Đại hội XIII, các cơ quan thông tấn báo chí đều có những đánh giá khách quan về Đại hội lần thứ XIII của Đảng, coi đây là sự kiện trọng đại có tầm quan trọng lịch sử, đánh dấu mốc son mới trong sự phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ca ngợi những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19, các hãng thông tấn lớn của thế giới nhấn mạnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ban lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới và đề ra lộ trình phát triển tiếp theo cho đất nước, định hình các chính sách trong tương lai.
Ngoài ra, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận được nhiều điện, thư chúc mừng của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục trên thế giới.
Thế giới vượt mốc 100 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới trải qua cột mốc lịch sử với hơn 100 triệu người mắc COVID-19, tương đương 1,3% dân số toàn cầu, trong khi các biến chủng của virus corona vẫn đang lây lan mạnh mẽ.
Đến sáng 31/1, thế giới có tổng số 103.045.690 ca nhiễm và 2.225.836 ca tử vong vì dịch COVID-19. Chỉ trong một ngày, có tới 435.283 ca nhiễm và 10.948 ca tử vong mới.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 31/1, đã có 74.615.873 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 26.199.988 ca bệnh đang điều trị, có 26.095.156 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 108.825 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tính tới ngày 31/1, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới (26.622.189 ca), tiếp theo sau là Ấn Độ (10.746.871 ca) và Brazil (9.176.975 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có nhiều ca tử vong nhất với 449.649 ca, sau đó là Brazil (223.945 ca) và Ấn Độ (154.310 ca).
Gần đây, các biến thể mới của virus corona xuất hiện ngày càng nhiều và có mặt ở phần lớn các nước. Các nhà khoa học xác định virus corona có 12 biến chủng chính. Trong số đó, các đột biến được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả, bất chấp nhiều loại vaccine được phát triển để chống lại đại dịch.
Tại châu Âu, nỗi lo về các biến thể của SARS-CoV-2 tăng cao. Từ ngày 31/1, Pháp sẽ đóng cửa biên giới với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi có nguy cơ cao làm gia tăng số lượng ca nhiễm bệnh. Thủ tướng Pháp Jean Castex nhấn mạnh: "Kể từ nửa đêm 31/1, mọi hoạt động nhập cảnh vào Pháp từ một quốc gia bên ngoài EU và xuất cảnh đến một quốc gia ngoài EU đều sẽ bị cấm, trừ khi có lý do đặc biệt. Ông cho biết thêm rằng người muốn nhập cảnh "buộc phải trải qua xét nghiệm PCR, trừ những công nhân qua lại biên giới làm việc".
WHO hiện đang dẫn đầu Cơ chế COVAX, được thiết lập với mục tiêu đặt mua vaccine và đảm bảo số hàng này được phân phối công bằng ra khắp thế giới. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ bắt đầu phân phối vaccine trong vài tuần tới.
Hệ lụy khủng khiếp của COVID-19 với nền kinh tế toàn cầu
Trong Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới mới công bố, Liên hợp quốc dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2021, sau khi giảm 4,3% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19. Đây là mức giảm mạnh gấp hơn hai lần so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo đó, các nền kinh tế phát triển giảm 5,6% trong năm 2020 và sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021, trong khi các nền kinh tế đang phát triển giảm 2,5% trong năm 2020 và tăng trưởng 5,7% trong năm 2021. Báo cáo cảnh báo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới vẫn rất cần phục hồi tăng trưởng, không chỉ để thúc đẩy phần còn lại của thế giới mà còn để tăng khả năng chống đỡ của kinh tế toàn cầu trước các cú sốc trong tương lai.
Ngoài ra, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho biết, đại dịch đã gây tổn thất lớn cho thị trường việc làm toàn cầu, khi tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, khiến thu nhập lao động toàn cầu cũng giảm 8,3%, tương đương khoảng 3.700 tỷ USD, hoặc 4,4% GDP của thế giới.
Theo ILO, trong năm 2020, thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gấp gần 4 lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Trong năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng 1,1% (tương đương 33 triệu người) lên tổng số 220 triệu người.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu điện đàm với Tổng thống Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 26/1, tập trung vào những vấn đề lớn mà hai bên cùng quan tâm.
Hai Tổng thống đã thảo luận về một số vấn đề, trong đó có các yếu tố khiến quan hệ song phương gặp khó khăn trong thời gian qua. Theo Nhà Trắng, ông Joe Biden đã nêu ra các vấn đề như các cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào các công ty và tổ chức chính phủ của Mỹ mà Mỹ quy trách nhiệm cho Nga nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Hai Tổng thống qua điện thoại cũng thảo luận về vấn đề hiệp ước START mới sắp hết hạn, hiệp định vũ khí cuối cùng hạn chế kho vũ khí hạt nhân của hai quốc gia. Cả ông Joe Biden và ông Vladimir Putin đều bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận sơ bộ về việc gia hạn hiệp ước. Điện Kremlin cho biết các thủ tục chính thức cho việc gia hạn START mới sẽ được hoàn tất trong những ngày tới.
Quan hệ Nga – Mỹ đã đi xuống kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở Đông Ukraine. Mối quan hệ ngày càng xấu đi sau khi Washington đưa ra một loạt cáo buộc vô căn cứ chống lại Moscow, bắt đầu với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng.
Khác với những người tiền nhiệm gần đây, ông Joe Biden không hy vọng sẽ “tái thiết” quan hệ Nga – Mỹ mà thay vào đó muốn giải quyết những khác biệt. Với một chương trình nghị sự tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước và những quyết định đang để ngỏ với Iran và Trung Quốc, sự đối đầu trực tiếp với Nga không phải là những điều tân Tổng thống Mỹ tìm kiếm.
Iran tuyên bố vượt mục tiêu làm giàu urani
Truyền hình nhà nước Iran ngày 28/1 đưa tin nước này đã vượt mục tiêu sản xuất 17kg urani làm giàu ở mức 20% trong vòng 1 tháng, qua đó đưa chương trình hạt nhân của Tehran đến gần hơn tới cấp độ có thể sản xuất vũ khí.
Trước đó, Iran tuyên bố sẽ sản xuất 120kg urani làm giàu ở mức 20% mỗi năm, tương đương với 12kg/tháng. Vì vậy, sản lượng trên đã vượt quá mục tiêu mà Tehran đề ra.
Theo các chuyên gia, khoảng 250kg urani được làm giàu ở mức 20% có thể chuyển thành 25kg urani độ tinh khiết 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Bước phát triển trên đưa Iran tiến gần hơn tới giới hạn các hoạt động sử dụng hạt nhân vì mục đích dân sự, trong khi Iran lâu nay bác bỏ điều này.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn gia tăng giữa Iran và Mỹ. Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc Tehran trước hết phải quay trở lại tuân thủ đầy đủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo chỉ thực hiện “những biện pháp mang tính sửa chữa” kể từ khi Washington rời khỏi thỏa thuận này./.