Từ nhu cầu thực tiễn đến định hướng đào tạo nhân lực
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với những cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến đáng kể.
Từ những nỗ lực của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nguồn nhân lực DTTS chất lượng, thực tế đội ngũ trí thức DTTS trong cơ cấu trí thức ngày càng đông đảo với nhiều thành phần hơn và sự tiếp cận với giáo dục - đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trình độ cao ngày một gia tăng. Đến nay, phần lớn các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở; các huyện đã có trường Trung học phổ thông. Cơ sở vật chất trường lớp, các cấp học được quan tâm đầu tư xây dựng để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đời sống của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý công tác ở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực người DTTS nhiều vùng miền vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, cần có những giải pháp chiến lược để phát triển nguồn nhân lực của khu vực quan trọng này.
Một thực tế đang diễn ra, đó là quá trình xét đầu vào, thi tuyển chưa chặt chẽ, dẫn đến các học sinh, sinh viên DTTS vào học rồi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khi cử tuyển, nhiều đơn vị đã không chú ý đến định hướng nghề nghiệp, chưa quan tâm yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương sau khi ra trường. Bên cạnh đó, vùng tuyển sinh bị thu hẹp, thiếu nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn hạn chế…là những khó khăn mà nhiều trường dân tộc nội trú đang gặp phải.
Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh DTTS tự quyết định, tuy nhiên, lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực về thị trường lao động và khâu tư vấn tuyển sinh cũng chưa thực sự hiệu quả. Thực tế hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng đào tạo theo chỉ tiêu không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Trường chỉ đào tạo theo kế hoạch, làm tốt công tác đào tạo của họ theo chỉ tiêu giao, mà chưa quan tâm đến vấn đề “đầu ra”…
Theo đánh giá của các ngành chức năng, thực tế hiện nay, nhiều địa phương có tình trạng nhiều sinh viên DTTS chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo. Nhìn từ góc độ nơi sử dụng lao động, hiện nay, sinh viên DTTS các trường đại học, cao đẳng không chỉ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước, mà làm việc ở tất cả các cơ sở thuộc 5 thành phần kinh tế.
Tại một số địa phương, việc con em người DTTS đi học đại học nhưng không có kế hoạch sắp xếp việc làm trước khi đi học. Trong tuyển dụng mới công chức, viên chức, thời gian qua, dù đã quan tâm đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS (Đề án số 18), nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách ưu tiên phù hợp để tuyển dụng con em đồng bào DTTS địa phương.
Tìm việc trong bộ máy Nhà nước - Việc không dễ
Đối với mỗi sinh viên người DTTS ở vùng cao, trúng tuyển vào đại học, cao đẳng đã khó, có thể theo học suốt 3 - 4 năm để lấy được bằng tốt nghiệp ra trường là niềm vui khôn tả. Thế nhưng, cầm bằng tốt nghiệp trên tay, trở về địa phương, nhiều sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo không xin được việc làm…
Thực trạng nhiều sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các em và gia đình, mà còn đang tác động không nhỏ đến công tác giáo dục vùng cao của các địa phương. Số lượng con em đồng bào DTTS làm việc trong bộ máy Nhà nước có tỷ lệ còn khiêm tốn do những yếu tố về chính sách thu hút, đãi ngộ còn chưa thỏa đáng, còn hạn chế bất cập.
Mặt khác, nhiều tỉnh khi tổ chức kỳ thi tuyển công chức, nhưng một số lượng lớn sinh viên người DTTS không thể vượt qua kỳ thi này để được tuyển dụng, mặc dù đã được xét cộng điểm ưu tiên. Một số cán bộ người DTTS được tuyển dụng, nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ những nguyên nhân trên, hậu quả là mỗi năm có nhiều sinh viên người DTTS không xin được việc làm.
Như vậy, trong khi ngành giáo dục ra sức vận động học sinh ra lớp, phong trào khuyến học, khuyến khích các em học tiếp lên các bậc học cao hơn, thì vấn đề thất nghiệp của sinh viên đã tạo nên sự âu lo cho rất nhiều bậc phụ huynh và gia đình. Một số lượng lớn sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp vẫn chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, không phát huy được hiệu quả đang gây lãng phí nguồn nhân lực cho các địa phương.