Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 33 giáo viên chuyên trách và 5 giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy chữ Chăm cho 8.908 học sinh với 308 lớp thuộc 24 trường tiểu học. Bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Thuận cho biết, hiện nay, việc triển khai thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc dạy chữ Chăm được quy định tại Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2000, của Bộ GD&ĐT. Chương trình dạy và học tiếng Chăm chính khóa trong các trường tiểu học tác động tích cực đến cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
“Đa số học sinh yêu thích học tiếng mẹ đẻ, tích cực trong học tập, nắm được những kiến thức cơ bản cấu trúc chương trình từng khối lớp. Chất lượng giáo dục tiếng DTTS được đánh giá đạt yêu cầu trở lên chiếm 99,8%, bao gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Hằng năm, ngành GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm”, bà Thi cho biết thêm.
Tuy nhiên, học sinh học chữ Chăm vẫn gặp tình trạng thiếu thốn về sách giáo khoa, vở tập viết chữ Chăm. Hiện tại, bộ sách giáo khoa chữ Chăm thực nghiệm cấp tiểu học được biên soạn theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ sách do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2002 với số lượng 1.000 bản/bộ. Bộ sách thử nghiệm in số lượng ít, phục vụ cho hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận nên qua hơn 20 năm sử dụng đã hư hỏng và không đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh về số lượng học sinh qua các năm học.
Do học tập trong điều kiện sách giáo khoa chữ Chăm thiếu nghiêm trọng nên nhiều học sinh phải học chung một cuốn sách. Mặt khác việc giảng dạy chữ Chăm trong các trường tiểu học từ 4 tiết giảm xuống còn 2 tiết/tuần như hiện nay là không phù hợp với chương trình sách giáo khoa chữ Chăm hiện hành, giáo viên phải cắt giảm chương trình cho phù hợp với thời lượng dạy và học 2 tiết học/tuần.
Đến với Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp - Chung Mỹ thuộc huyện Ninh Phước, chúng tôi được cô giáo Thọ Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn trường có 37 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy 632 học sinh dân tộc Chăm, biên chế 21 lớp. Nhà trường được đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp hai tầng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Việc dạy và học chữ Chăm được duy trì hơn 40 năm qua, nhiều thế hệ học trò biết đọc, biết viết chữ Chăm.
Hiện nay, nhà trường phân công hai giáo viên dạy chữ Chăm cho học sinh toàn trường. Một thực trạng đáng lo ngại là thầy “dạy chay” và học trò “học chay” do thiếu đồ dùng dạy học và sách giáo khoa cấu trúc chương trình chữ Chăm theo Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT. Nhà trường chỉ còn một số ít sách giáo khoa Chữ Chăm lớp 1 do các mạnh thường quân tài trợ cho cơ sở Chung Mỹ, giáo viên phát ra vào đầu giờ học cuối buổi thu về bảo quản vì đây là những cuốn sách quý.
Bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết, GD&ĐT Ninh Thuận đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách dạy học tiếng DTTS thay thế Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nghị định này không còn phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và thực tiễn dạy học tiếng DTTS.
Giờ học dạy chữ Chăm lớp 1D của Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp - Chung Mỹ do thầy giáo Đàng Năng Mạng phụ trách, cả lớp chỉ có 7 cuốn sách giáo khoa chia cho các nhóm học sinh. Dù thiếu sách nhưng các em vẫn sôi nổi học tập tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Thầy Mạng mong muốn ngành GD&ĐT sớm in ấn ban hành sách giáo khoa và đồ dùng học tập chữ Chăm, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.
Nhằm nâng cao chất lượng các môn học tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030, bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết, ngành GD&ĐT Ninh Thuận đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách dạy học tiếng DTTS thay thế Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nghị định này không còn phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và thực tiễn dạy học tiếng DTTS.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể biên chế, chế độ, chính sách cho người học và người dạy tiếng DTTS; đưa việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng DTTS vào Dự án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học tiếng Chăm và sớm xuất bản sách giáo khoa tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5 đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.