Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang HuyTrình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 Chương, 52 Điều, giảm 37 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trên cơ sở quán triệt tinh thần chỉ đạo về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời, UBTV Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cũng như nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.
Quang cảnh phiên họpNhiều ý kiến của các đại biểu đã đề nghị nghiên cứu, rà soát, thể chế hóa một số chủ trương của Đảng liên quan đến các lộ trình cấm sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân cấp phân quyền trong quản lý hóa chất.
Liên quan đến nội dung trên, báo cáo của UBTV Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã có một số quy định nhằm thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” tại Kết luận số 36-KL/TW như: Quy định về quản lý hoạt động hóa chất; quy định khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, tồn trữ hóa chất tới khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt (Điều 37). Các quy định nêu trên nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của hóa chất tới nguồn nước.
Dự thảo Luật cũng đã có các quy định thể chế hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” như: Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị (điểm d khoản 2 Điều 7). Về vấn đề tăng cường chuyển đổi số, dự thảo Luật đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thể hiện trong Điều 17, Điều 19, Điều 31, Điều 34, nhằm hình thành cơ sở dữ liệu lớn về hóa chất phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các đối tượng chịu sự tác động để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Qua đó, các điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại dự thảo Luật như quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa.