Theo nghiên cứu “Giới trẻ trong không gian trực tuyến” (2016) của Tổ chức ChildFund tại địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng với 200 trẻ em DTTS là: Tày, Nùng, Dao, Mường từ 11 đến 18 tuổi đã chỉ ra, trung bình giới trẻ truy cập internet mỗi ngày 3 tiếng; 3/4 phụ huynh không kiểm soát thời gian truy cập mạng của con cái; Trẻ em gái truy cập mạng thường xuyên để nhắn tin, vào mạng xã hội chia sẻ ảnh; 53% trẻ em gái từng gặp bạn bè trực tuyến ngoài đời thực, trong đó 70% gặp ngay sau lần nói chuyện đầu tiên…
Theo ông Bùi Duy Thành, chuyên gia của Tổ chức ChildFund, trong 1 năm trở lại đây, ông Thành tiếp xúc nhiều với đối tượng là trẻ DTTS và nhận thấy, có những trẻ sử dụng internet từ 3 đến 8 tiếng mỗi ngày, thậm chí có những em sử dụng lên đến 10 tiếng mà không hề bị kiểm soát. Tuy sinh sống ở vùng DTTS nhưng facebook (FB) của trẻ ít bạn bè nhất cũng lên đến 700, cao là hơn 1.000. Điều đáng nói, trang cá nhân của nhiều trẻ chia sẻ rất nhiều hình ảnh bạo lực học đường, cặp đôi thân mật, livestream bán hàng… không có một nội dung nào hữu ích. “Tôi rất lo lắng với việc dùng mạng xã hội kiểu này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của học sinh trong tương lai”, ông Thành chia sẻ.
Trong nghiên cứu “Thanh niên trong không gian mạng” (2018) của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE đi sâu vào câu chuyện và ý nghĩa đằng sau những con số thống kê. Nghiên cứu của iSEE được thực hiện chủ yếu với thanh-thiếu niên DTTS tại hai thôn Lành và thôn Mộc thuộc xã Bành Trạch và Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Theo nghiên cứu, kể từ khi internet xuất hiện và trở nên phổ biến, thế giới mạng không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí thông thường mà còn là nơi diễn ra những tương tác trong đời sống cộng đồng. Họ thiết lập chế độ chia sẻ công khai, vừa để bày tỏ cảm xúc, vừa để kêu gọi thảo luận của cộng đồng.
Internet đã trao cho họ thêm một tư cách mới song song với tư cách thành viên trong thế giới offline vốn có của họ: thành viên của cộng đồng online. Những lợi ích mà internet đem lại là không thể phủ nhận...
Bên cạnh lợi ích, nghiên cứu chỉ ra rất nhiều rủi ro. Trẻ em và thanh, thiếu niên có thể tiếp xúc chủ động hoặc bị động với những thông tin không phù hợp như những nội dung bạo lực, kích động hoặc khiêu dâm. Giới trẻ ở hai xã Phúc Lộc và Bành Trạch không có kỹ năng phân tích và đánh giá các nguy cơ online nên có thể gặp phải các rủi ro như lừa đảo, đánh cắp thông tin hay quấy rối tình dục, bắt cóc và buôn bán người.
Nghiên cứu của ChildFund cũng chỉ ra, 70% trẻ em đã từng tiếp xúc với nội dung tiêu cực và phản cảm, 75% trong số này có cảm xúc tiêu cực với các nội dung trên như sợ hãi và giận dữ. Hơn nữa, gia đình và nhà trường đều không có đủ kiến thức để hướng dẫn các em sử dụng internet một cách an toàn. Ở khu vực vùng sâu, vùng xa thiếu những cơ chế và hệ thống bảo vệ và trợ giúp liên quan.
“Sự phát triển của công nghệ không phải yếu tố duy nhất, mà tất cả những chuyển dịch của đời sống kinh tế-xã hội thúc đẩy việc sử dụng internet. Di cư lao động và giáo dục tập trung làm kéo giãn khoảng cách của các mối quan hệ trong gia đình và thôn bản. Khi nhà và nơi làm việc bắt đầu tách rời, kéo theo sự thay đổi trong mạng lưới các mối quan hệ. Trước đây, chỉ cần sang nhà hàng xóm là có mối quan hệ họ cần, nhưng bây giờ các mối quan hệ bị kéo xa ra khỏi nhau”, bà Đỗ Quỳnh Anh, nghiên cứu viên iSEE nhận định.
Sự thâm nhập của internet đang là một thực tế không thể tránh khỏi trong các cộng đồng DTTS. Chính vì vậy, cần có giải pháp hướng tới tăng lợi ích và giảm nguy cơ, biến công nghệ và internet trở thành nền tảng hữu ích giúp thu hẹp bất bình đẳng đối với vùng DTTS là việc cần làm ngay…
HƯƠNG TRÀ