Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Ngày 4/7/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND về triển khai nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN thuộc Chương trình MTQG 1719.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hoá đã và đang triển khai các nội dung: Hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS và MN (Hỗ trợ về chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất; hợp đồng đặt hàng các cơ sở, trường học để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ; thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS và MN ); Tổ chức Hội nghị biểu dương thanh niên, học sinh, sinh viên, Người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong đồng bào DTTS ở các xã, thị trấn; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp cho đồng bào DTTS và MN; các lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng quản lý, phát triển doanh nghiệp, kỹ năng quản lý tài chính, quản trị nhân lực, kỹ năng tiếp cận nguồn lực tài chính…
Dự án được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đồng bào vùng DTTS và MN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào DTTS và MN, nhất là đoàn viên, thanh niên, phụ nữ vùng DTTS và MN .
Thanh niên vươn lên làm chủ và làm giàu
Trước đó, năm 2017, Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”. Từ cuộc thi, nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp đa dạng con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng tham mưu đề xuất, được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ thanh niên tỉnh khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030. Năm 2023, Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề xuất UBND tỉnh sửa đổi Đề án quy chế quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm mở rộng đối tượng, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các thủ tục hồ sơ, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên.
Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phát động, đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 mô hình phát triển kinh tế, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp thanh niên vươn lên làm giàu, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Vi Văn Đợi, Bí thư Chi đoàn khu phố 4, thị trấn Mường Lát là minh chứng cụ thể về tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên vùng cao. Anh Đợi sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập không đáng kể, công việc bấp bênh. Năm 2020, sau khi được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn về phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, anh Đợi quyết định thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế phòng, chống thiên tai kết hợp chăn nuôi. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, người thân để phát triển mô hình, chủ đạo là trồng các giống cây xoan, lát, keo kết hợp chăn nuôi thêm bò sinh sản, gà thương phẩm.
Nhờ kiên trì, chịu khó, khu rừng trồng và trang trại chăn nuôi của gia đình anh ngày một phát triển với tổng diện tích khoảng 40 ha, bao gồm 20 ha trồng cây lát, 10 ha cây keo, 4 ha trồng cây măng bát độ, cùng nhiều loài cây khác như ngô, sắn, chuối… Ngoài ra, anh còn chăn nuôi 40 con bò sinh sản, 200 con gà. Từ mô hình này, gia đình anh có thu nhập bình quân 300-400 triệu/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 4 triệu/người/tháng.
Để hỗ trợ bà con trong vùng, anh Đợi cũng đã cung cấp giống cây sắn, ngô cho bà con trồng bảo đảm chất lượng và thu mua sản phẩm từ những loại cây trồng này cho người dân. Các sản từ mô hình của gia đình và thu mua của bà con trong vùng được anh bán ở thị trường Hà Nội, Hải Dương và Thanh Hóa luôn đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết, do điều kiện khắc nghiệt, địa hình hiểm trở nên nhiều thanh niên gặp khó khi bắt đầu khởi nghiệp. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa các đoàn viên, thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, nhất thanh niên người DTTS sinh sống trên địa bàn như dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái tại các bản nghèo biên giới.
Theo ông Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, hiện nay Thanh Hóa có hơn 1 triệu thanh niên, chiếm gần 50% lao động toàn tỉnh. Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại các địa phương, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả.
Cụ thể hóa Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 4/7/2023 của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN thuộc Chương trình MTQG 1719, trong đó có nội dung phối hợp với các với Tỉnh đoàn. Theo Kế hoạch, 2 đơn vị sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn “Thanh niên giao lưu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp tại vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS và MN; tổ chức hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên, Người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong năm 2024.