Dự lễ kỷ niệm có ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa và các vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các hội và hiệp hội du lịch; đại diện dòng tộc họ Lê Việt Nam và đông đảo du khách.
Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và Nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16 - 18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 Âm lịch). Trong đó, lễ dâng hương và tế lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, khu lăng mộ, các tòa thái miếu (huyện Thọ Xuân), đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), thái miếu Nhà hậu Lê và tượng đài Lê Lợi (Tp. Thanh Hóa) sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/9 (tức ngày 21, 22/8 Âm lịch); lễ dâng hương làm giỗ Bà hàng dầu trên đỉnh núi Lam Sơn (núi Dầu) vào ngày 18/9 (tức ngày 23/8 âm lịch) theo nghi thức truyền thống.
Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh 2022 và Kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt sẽ có các sự kiện như trưng bày tư liệu, hình ảnh kỷ niệm 10 năm (từ ngày 10 - 20/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).
Ban tổ chức Lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Sầm Sơn, suối cá thần…