Áp lực tự chủ tài chính
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), mỗi ngày chỉ có vài chục người đến khám. Từ khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, việc phải tự chủ trên 70% đối với bệnh viện huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Quan Sơn là bất cập. Chủ trương tự chủ là tất yếu, song phải xem xét yếu tố vùng miền, đặc thù của từng bệnh viện để có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Theo ông, hiện các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế… không cung cấp nguồn thuốc, vật tư y tế mới, với lý do chưa thanh toán nợ cũ.
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện lâm cảnh nợ nần, là việc đơn vị bị bảo hiểm truy thu lại số tiền chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2017, 2018. Cụ thể, quý 4/2021, đơn vị bị truy thu 1,7 tỷ đồng. Việc bị truy thu giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, lại không có nguồn thu nhập thêm gây ra những khó khăn lớn cho bệnh viện.
Đối với Bệnh viện đa khoa Quan Sơn, từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách cấp chỉ đủ để trả lương cho 22 cán bộ, nhân viên. Với việc 100% khám, chữa bệnh bảo hiểm, gần như đơn vị không có nguồn thu ngoài. Trong khi đó bệnh viện đang phải “gồng gánh” 46 cán bộ, nhân viên y tế.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh cho hay, việc phải tự chủ kinh phí cao như vậy, gây nên những áp lực to lớn cho hoạt động của bệnh viện. Theo ông, bệnh viện miền núi thường có số bệnh nhân ít, nguồn thu không nhiều.
Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân ít ỏi tại đây, là do việc thông tuyến trong khám, chữa bệnh, nhiều bệnh nhân chuyển lên khám ở các tuyến cao hơn, hay ở bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại hơn.
“Năm 2021, đơn vị này được cấp 5,9 tỷ đồng từ ngân sách. Nguồn tài chính này phần nào đủ tiền trả lương cho nhân viên. Bước sang năm 2022, con số trên chỉ còn 2,6 tỷ đồng, chỉ đủ để trả lương cho một phần cán bộ, nhân viên hành chính”, ông Chính cho hay.
Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh đã báo cáo Sở Y tế về thực trạng công tác khám, chữa bệnh. Cụ thể, nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT hiện đang bị treo, chưa được quyết toán. Thậm chí đơn vị còn bị truy thu lại số tiền chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2017, 2018, là chi phí đã sử dụng cho bệnh nhân BHYT... Do nguồn kinh phí bị thu hồi và bị treo quá lớn, đã làm mất cân đối thu - chi tài chính của đơn vị.
Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 kéo dài, nguồn thu thấp, ngân sách cắt giảm nên bệnh viện không có nguồn để chi trả nợ tiền thuốc, vật tư y tế năm 2021 cho các nhà cung cấp. Bước sang năm 2022, các đơn vị cung cấp vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… yêu cầu trả nợ cũ, thì mới cung cấp mới. Việc này gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho khám, chữa bệnh bệnh nhân BHYT, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia bảo hiểm.
Không có kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng
Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát cũng đưa ra thông tin, với một bệnh viện ở huyện biên giới khó khăn như Mường Lát, việc thu hút nhân tài có chuyên môn cao đã khó, nay tự chủ tài chính còn gây khó khăn khiến bệnh viện khó đầu tư hạ tầng cơ sở, cũng như mua sắm trang thiết bị, máy móc y tế.
Bác sĩ Văn cho biết: Hiện Bệnh viện đa khoa Mường Lát chỉ có 60% khoa, phòng được đầu tư kiên cố, bên cạnh đó một số trang thiết bị y tế đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng, mua sắm mới. Đặc biệt, nhiều khoa, phòng thiếu nhiều chủng loại, phương tiện kỹ thuật phục vụ khám, chữa bệnh nhưng không có nguồn để đầu tư mua sắm.
Với việc tự chủ trên 60% ngân sách, năm 2022 đơn vị được cấp 2 tỷ 450 triệu đồng, chỉ đủ để chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên trong khoảng 3 tháng. Trong khi đó, việc không có nguồn thu do số lượng bệnh nhân giảm; đơn vị phải bỏ ra một nguồn kinh phí lớn mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cộng với việc bị truy thu BHYT chi vượt định mức năm 2017, 2018… đang đẩy bệnh viện rơi vào tình trạng “khủng hoảng” tài chính.
Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, phân tích, việc không cân đối được nguồn quỹ dẫn đến không có nguồn ngân sách dành cho phát triển sự nghiệp, mua sắm máy móc, thiết bị. Đơn cử, nếu như trước đây, ngoài việc chi tiền thuốc men, vật tư y tế, hóa chất… còn dư bao nhiêu, thì dựa vào nguồn đó để thiết lập quỹ. Trong đó, có 35% là để cải cách tiền lương, 30% để tăng thu nhập, 25% để phát triển sự nghiệp, còn lại để thành lập quỹ công đoàn, khen thưởng… Song, điều kiện là hoạch toán có dư, còn hiện tại bệnh viện chỉ lo sao duy trì, đáp ứng được nguồn tiền lương cho cán bộ, y bác sĩ.