Thanh Hóa có trên 130.000 thanh niên vùng DTTS, thuộc các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ, chiếm 13% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn phối hợp cùng cơ quan công tác dân tộc cùng cấp tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho ĐVTN vùng DTTS và miền núi về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách lớn về công tác thanh niên, công tác dân tộc và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, Tỉnh đoàn phối hợp cùng các ban, ngành tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn, nhân rộng các mô hình trang trại trẻ. Tính đến nay, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho tổ chức Đoàn quản lý đã tăng lên 1.619 tỷ đồng, triển khai cho 28.819 hộ vay vốn. Nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn do Tỉnh đoàn quản lý là 2,350 tỷ đồng cho 27 dự án thanh niên vay mở rộng mô hình, tạo việc làm cho gần 200 lao động.
Bên cạnh đó, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN đã giúp nhiều thanh niên miền núi khởi nghiệp thành công
Tại buổi lễ, 40 cá nhân tiêu biểu đã được vinh danh trong tổng số 254 thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.
Là một trong số những thanh niên được tuyên dương, là chị Lương Thị Lực, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn cho biết, năm 2020, khi được vay 100 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp thanh niên, chị cùng chồng đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm. Để có thể nuôi thành công loại cá mới, chị đã đi đến hàng chục trang trại nuôi cá trong cả nước để học tập kinh nghiệm, phương pháp, cách thức nuôi cá.
Sau nhiều nỗ lực, chị đã nuôi thành công cá tầm, cá hồi trên đất Quan Sơn. Hiện nay, ngoài cá thương phẩm, cơ sở của chị còn sản xuất cá giống xuất bán đi Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh... đưa tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người.
Trong những năm qua, thanh thiếu niên vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động của tổ chức đoàn, hội, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên, đoàn viên, sinh viên tiêu biểu.
Ở huyện Cẩm Thủy, bạn Phùng Diệu Linh, dân tộc Dao, hiện là Bí thư Chi đoàn lớp 12A6, Trường THPT Cẩm Thủy. Diệu Linh có thành tích xuất sắc trong học tập, năng nổ, sáng tạo trong các hoạt động phong trào đoàn, nhà trường phát động và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Thông qua các đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết Nhảy của đồng bào dân tộc Dao” tham dự Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 và đoạt giải Khuyến khích; dự án “Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao” tham gia Cuộc thi Tinh hoa Việt Nam do Trung ương Đoàn phát động năm 2023 góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Cẩm Thủy.
Ở huyện Thường Xuân, nhiều đoàn viên, thanh niên đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để khởi nghiệp, lập nghiệp thành công. Về thôn Xuân Minh 1, xã Xuân Cao, chúng tôi đến thăm mô hình vườn nho hạ đen của đoàn viên Hà Việt Huy, dân tộc Thái. Huy bắt đầu khởi nghiệp trồng nho từ năm 2021 khi còn là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là vườn nho đầu tiên được trồng trên vùng đất Thường Xuân. Hiện vườn nho của Huy có hơn 1.200 gốc nho hạ đen và nho mẫu đơn đang bắt đầu cho ra quả lứa đầu tiên trong năm. Chỉ hơn 2 tháng nữa thôi, vườn nho sẽ cho thu hoạch và có đầu ra ổn định.
Nếu như Huy mạnh dạn khởi nghiệp từ trồng nho thì Bí thư Đoàn xã Luận Thành Lương Ngọc Lai (SN 1989) khởi nghiệp thành công với mô hình “Trang trại xanh” là nuôi giun quế, trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà lưới và trang trại nuôi gà sạch từ thức ăn là giun quế. Hàng năm thu nhập trung bình từ trang trại đạt 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Anh Lai còn liên kết các mô hình trang trại địa phương giúp thanh niên phát triển kinh tế.
Ở bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn Thường Xuân, đoàn viên Hà Thị Tuyến, sinh năm 1993 là chủ chuỗi Homestay và nhà hàng ẩm thực Tính Tuyến. Tuyến là một trong những người đầu tiên làm du lịch tại bản Mạ và đưa hình ảnh thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái đến với du khách.
Ông Lê Văn Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Toàn tỉnh có hơn 1 triệu thanh niên, trong đó thanh niên vùng DTTS và miền núi là hơn 130.000 người, chiếm khoảng 13% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, các cấp bộ đoàn tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phù hợp với đặc điểm riêng của các dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các ban, ngành tạo nguồn lực hỗ trợ về vốn cho thanh niên vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp thông qua nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách ủy thác cho tổ chức đoàn quản lý; nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.
Tính đến tháng 3/2024, chương trình đã hỗ trợ cho 958 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho thanh niên DTTS và miền núi, nhân rộng các mô hình trang trại trẻ. Ngoài ra, thanh niên vùng DTTS được nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025.