Những mô hình sinh kế hiệu quả
Đi qua nhiều bản làng miền Tây xứ Nghệ, điều đọng lại sâu sắc trong tâm trí chúng tôi, là những mô hình kinh tế quân – dân kết hợp đang ngày một đơm hoa kết quả. Những mô hình ấy, minh chứng cho những nỗ lực “ba cùng, bốn bám” của những chiến sĩ quân hàm xanh với bà con dân bản; cũng như những nỗ lực vượt khó để vươn lên thoát nghèo của người dân nơi biên cương.
Trực tiếp bám bản, bám địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Ngọc Lâm đã thực hiện “bốn cùng”, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả… ngay tại địa bàn Đồn đóng chân.
Một trong những ý tưởng, cách làm giúp đỡ bà con dân bản là mô hình “vườn mẫu” do ĐBP Ngọc Lâm phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai từ tháng 10 năm 2019. Với mô hình này, đơn vị đã vận động anh Lương Văn Hoài ở bản Tân Lâm tổ chức trồng 45 cây ổi, 45 cây táo, 20 cây mít và cây đu đủ, trên tổng diện tích 3.700 mét vuông đất của gia đình.
Cùng với đó, ĐBP Ngọc Lâm còn hỗ trợ gia đình 3 con lợn đen giống bản địa để phát triển chăn nuôi. Đến nay, vườn mẫu cho thu hoạch đều, đầu ra từ rau, củ, quả rất tốt; riêng đàn lợn lai rừng, gia đình cũng đã xuất bán hơn 20 con.
Gia đình chị Vi Thị Dung, một trong những hộ được giúp đỡ kể: BĐBP đã hỗ trợ gia đình tôi 5 con dê giống từ cuối năm 2022. Hàng ngày, các chú bộ đội còn xuống gia đình hướng dẫn chăm sóc, chuẩn bị thức ăn cho đàn dê, cùng tham gia quét dọn, vệ sinh chuồng trại nên đàn dê rất khỏe và mau lớn.
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng ĐBP Nhôn Mai trao đổi: Con giống và chuồng trại do ĐBP bỏ ra, còn người dân tham gia chăn nuôi và cùng được hưởng lợi. Lợi nhuận thu về, BĐBP tiếp tục nhân rộng mô hình, giao cho các hộ gia đình khác tham gia.
Mô hình hướng đến là những hộ gia đình muốn thoát nghèo, có ý chí vươn lên làm giàu. Cái được lớn hơn đối với người dân khi tham gia mô hình là gắn trách nhiệm với lợi nhuận, thay đổi nhận thức, trách nhiệm trong phát triển kinh tế.
Hiện tại, BĐBP Nhôn Mai đã triển khai mô hình này ở một số bản, làng nơi đơn vị đóng quân phụ trách là các xã Mai Sơn, Nhôn Mai (huyện Tương Dương). Để mô hình đạt hiệu quả cao nhất, người dân và BĐBP cùng ký cam kết trong công tác phối hợp thực hiện mô hình.
BĐBP cùng hộ gia đình chị Vi Thị Dung ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn (Tương Dương) chăm sóc đàn dê Hiện nay, các đơn vị BĐBP của Nghệ An đang tiếp tục hướng dẫn Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi và thực hiện có hiệu quả 60 mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, trong thời gian qua, cán bộ chiến sĩ còn giúp Nhân dân khu vực biên giới 4.553 ngày công lao động, chăm sóc và thu hoạch 72ha hoa màu; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 13ha; trao tặng 250 cây bưởi giống, 2 con bò giống. Dự kiến, lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp với MTTQ tỉnh, Hội nông dân, Ban Dân tộc tỉnh khảo sát các mô hình sinh kế giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Bản làng đổi thay
Nhiều năm về trước, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản biên giới Huồi Sơn, xã Tam Hợp (Tương Dương) gặp muôn vàn khó khăn; đi cùng với đó, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã huy động nguồn xã hội hóa, điều động hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ về hỗ trợ 37 hộ gia đình trong bản kiên cố hóa nhà ở, mở đường, khai hoang ruộng trồng lúa nước.
Cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Quân khu IV) hướng dẫn bà con xã Tri Lễ, huyện Quế Phong trồng ngô “Miệng nói, tay làm”, BĐBP được đồng bào dân tộc Mông ở Huồi Sơn yêu mến, tin tưởng, đã tự giác trồng trọt, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, Huồi Sơn có 75 hộ dân, với 400 nhân khẩu, bà con đã an cư lạc nghiệp, không còn hiện tượng khai thác lâm sản trái phép, di dịch cư tự do, trẻ em được tới trường học tập, trên 90% số hộ gia đình có xe máy, ti vi. Chi bộ đảng Huồi Sơn có 16 đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhấ trong công tác lãnh đạo, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hay như cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông), hơn 20 năm về trước, những người lính biên phòng đã vào “cắm chốt” ở bản làng của người Đan Lai, vận động Nhân dân khai hoang trồng lúa nước, không phá rừng, bãi bỏ những tập tục lạc hậu…; Bộ đội cũng đã mang nhiều loại cây giống, con giống về trồng, chăn nuôi, hướng dẫn Nhân dân cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Khi đã được dân tin, những người lính biên phòng tiếp tục vận động Nhân dân xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, như cúng ma, tự sinh con bên suối, nuôi trâu bò dưới sàn nhà... Giờ đây, cuộc sống của người dân Đan Lai được cải thiện rõ rệt, hòa nhập tốt với cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Một góc trung tâm xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương Cùng với đó, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình xây dựng NTM, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, xuân biên phòng ấm lòng dân bản, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…
Những năm qua, hàng chục km đường giao thông và kênh mương thủy lợi, nhiều ngôi nhà tình thương cùng các nhu yếu phẩm… đã được hỗ trợ, danh tặng cho bà con miền núi. Tất cả đã như là chất "xúc tác", tạo động lực để bà con các DTTS vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn xuống cơ sở thăm hỏi, động viên hỗ trợ đồng bào Đan Lai phát triển kinh tế
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: đời sống vật chất, tinh thần của bà con các DTTS nơi miền tây xứ Nghệ đang ngày một đổi thay, là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng biên phòng. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm công dân của đồng bào các DTTS khu vực biên giới với tổ quốc, đã luôn kề vai sát cánh cùng BĐBP phát triển kinh tế-xã hội giữ gìn sự bình yên trên khu vực biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.