Cần sự đột phá
Trong thời gian qua, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng "vặt" ở nước ta, đặc biệt là ở cấp địa phương còn chưa triệt để, thiếu kiên quyết, còn có tình trạng trên nóng, dưới lạnh trong phòng chống tham nhũng. Hội nghị Trung ương V tháng 6/2022 vừa qua thống nhất chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng.
Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, bên cạnh quyết tâm chính trị và những giải pháp mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước thì việc phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân là vô cùng quan trọng. Để đấu tranh có hiệu quả với "vấn nạn” tham nhũng “vặt” cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Muốn làm được điều đó thì vai trò của mỗi người dân là rất quan trọng. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”.
Cùng với đó, để phòng, chống được tình trạng tham nhũng hiện nay thì cần thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước gọn nhẹ hơn. Phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng "vặt". Phải đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, thông qua đó chọn lựa được con người vào trong bộ máy. Thứ tư là triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng tới việc chuyển đổi vị trí công tác những người tiếp xúc trực tiếp tới người dân trong giải quyết các công việc dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân là gốc"; “phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công!".
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định để phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong phòng chống tham nhũng tiêu cực nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Quy chế dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành hướng dẫn tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải công khai để nhân dân biết về nhiều nội dung, làm cơ sở góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên...
Rõ ràng, không thiếu những giải pháp, nhưng phòng, chống tham nhũng "vặt”, "nhũng nhiễu” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về hiểm họa của nó và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi. Muốn thế vấn đề đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể "nhũng nhiễu”.
Vấn nạn phí “bôi trơn” chỉ có thể chấm dứt khi mà mọi thứ minh bạch, người vi phạm nếu bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, không có bao che, xuê xoa chỉ vì... “tham nhũng vặt”. Theo đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng được kỳ vọng là thanh bảo kiếm sắc bén, thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham nhũng ở mọi cấp, từ tham nhũng lớn tới tham nhũng vặt. Tuy nhiên, để phòng chống tham nhũng vặt hiệu quả cần phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát, tố giác hành vi tham nhũng.
… Và chung tay của cả cộng đồng
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt”, cần tập trung phối hợp, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và tham nhũng vặt; loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ và xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình phụ trách, quản lý; rà soát quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến cơ chế, chính sách để đề xuất sửa đổi, khắc phục sở hở, bất cập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tinh thần đấu tranh chống “tham nhũng vặt”, nói không với “tham nhũng vặt” trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay, tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và nhân dân trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” nói riêng và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung thời gian tới.
“Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế thì công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội”. (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC).
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng phòng, chống “tham nhũng vặt” được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 9 nhóm nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng vặt hiện nay không phải dễ dàng, trong ngày một, ngày hai, bởi nó đang như con bệnh đã di căn, nó làm cóng lạnh tâm hồn và trái tim của một bộ phận không nhỏ những người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước. Nên cuộc chiến chống tham nhũng vặt phải đặt vào vị trí trung tâm của công tác kiểm tra - giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp và gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, với những biện pháp quyết liệt nhất, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên liên tục, không dừng và chỉ có tiến, không có lùi… như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì mới thành công được.