Nhận diện tham nhũng “vặt”
Tham nhũng thường có 2 loại là tham nhũng lớn và tham nhũng "vặt". Tuy nhiên, ranh giới giữa tham nhũng lớn và tham nhũng "vặt" thì rất mong manh. Sở dĩ phân chia ra như vậy để phân biệt một cách tương đối, tìm ra phương thuốc đặc trị cho từng loại. Tình trạng tham nhũng "vặt" vẫn chưa được ngăn chặn, kiềm chế, diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, đến lĩnh vực thuế, ngân hàng, hải quan...
Nạn tham nhũng "vặt" diễn ra muôn hình vạn trạng, không từ một hành vi ti tiện nào, từ "lót tay" lại quả, đi đêm, vào cửa sau, bắt tay dưới gầm bàn. Đến những hành vi trắng trợn như sử dụng của công, tài sản Nhà nước vào phục vụ cá nhân, bớt xén chế độ của các đối tượng chính sách, bòn rút quỹ nhân đạo, từ thiện… Nếu không quyết liệt đẩy lùi nạn tham nhũng "vặt", hậu quả sẽ nguy hại hơn cả đại dịch trong xã hội. Bởi, tham nhũng "vặt" còn lây nhiễm, ảnh hưởng đến những người ban đầu làm ăn lương thiện nhưng đua đòi chạy theo lối sống, hành vi lừa đảo, buôn gian, bán lậu như chiếm dụng hè lòng đường giao thông, chặt cây phá rừng phòng hộ, hành vi “cát tặc”, “lâm tặc”, trồng cây xây nhà, xây mộ giả mạo để đón đền bù. Nó còn biến con người trở nên độc ác, máu lạnh như trộn chất độc hại vào các sản phẩm thức ăn, thuốc chữa bệnh, rải đinh trên đường cao tốc, buôn bán phụ nữ, trẻ em, giết người cướp của không ghê tay...
Đặc biệt, một số cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh phong bì của người dân có chiều hướng gia tăng một phần là do chữ... “vặt”. Vì là tham nhũng "vặt” nên ít người “soi”, chưa cần phải diệt tận gốc “ngay và luôn” nên họ có cơ hội tồn tại, rồi dần dần phát triển.
Tham nhũng vặt chính là hành vi lạm dụng quyền lực được giao của các cán bộ, công chức cấp thấp và cấp trung gian trong tương tác hàng ngày với người dân, thường khi người dân có nhu cầu tiếp cận với hàng hóa hoặc các dịch vụ công cơ bản… Vậy nên, tham nhũng "vặt" có thể hiện diện mọi nơi. Chuyện cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu “mãi lộ” một vài trăm nghìn đồng mỗi xe đang diễn ra hàng ngày. Rồi đến việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải “chạy” bằng tiền để được vào những trường ưng ý… Hoặc ngay đến cả những nơi cứu người như bệnh viện, chuyện phong bì cho bác sỹ, “hoa hồng” kê đơn thuốc… đã thành chuyện thường xuyên có thể bắt gặp hàng ngày…
Trong đó có một kết quả rất đáng chú ý là tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”, lót tay tại một số cơ quan, đơn vị “tăng nhẹ” nhưng năm sau lại tăng với năm trước. Con số đáng lưu ý trong báo cáo SIPAS 2021 là có 0,59% người dân, tổ chức được khảo sát cho biết phải trả tiền ngoài phí/lệ phí, tức tiền "bôi trơn" khi thực hiện dịch vụ công, tăng 0,12%. Nhìn vào những con số này, chúng ta thấy mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như "một cửa, một dấu”, "một cửa liên thông”, "tất cả vì sự hài lòng của người dân”... nhưng trong thực tế người dân muốn nhanh, gọn, sớm thì đều phải “biết ý”, phải "chung chi” thì công việc mới nhanh, trôi chảy. Và tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan cung cấp dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hành dân để được nhận phong bì “lót tay” lâu nay vẫn được gọi bằng cái tên “tham nhũng vặt”.
Khi tham nhũng vặt trở thành một loại phí
Tham nhũng "vặt" cứ như nấm mọc sau mưa, nó không chỉ xuất hiện ở các cá nhân mà còn mang tính đồng lõa của số đông, thậm chí có tổ chức. Thói tham nhũng "vặt" diễn ra công khai gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, bất cứ việc gì ở lĩnh vực nào, hình thành nên cơ chế xin – cho thì không khó để tìm ra những minh chứng về nó. Người dân phải đi xin, còn công bộc giữ quyền cho.
Người dân, doanh nghiệp phải “sấp ngửa” đến cơ quan công quyền để xin đủ thứ, từ xin cấp giấy chứng tử, xin cấp giấy phép kinh doanh, xin giấy khám sức khỏe để vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Thậm chí có những người "chạy" vào biên chế, xin đi học, xin thi tuyển nâng lương, xin chuyển địa bàn, đơn vị công tác. . .
Chẳng biết từ bao giờ phí “bôi trơn” đã trở thành một loại phí nghiễm nhiên mà mọi người đều công nhận. Để được “bôi trơn” nhiều hơn, cán bộ quản lý tăng cường lợi dụng sự mập mờ trong các văn bản quy định gây khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp. Về phía người dân và doanh nghiệp, khi đối diện với việc nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục giấy tờ, hoặc sản xuất kinh doanh rồi thì không thể tiếp tục chịu khó khăn về quy định, thủ tục nên quyết định “bôi trơn”. Thậm chí, biết rõ quy trình nhũng nhiễu của cán bộ liên quan đến thủ tục, vì vậy để tránh phiền hà ngay từ khâu đầu tiên đã chủ động “lót tay” cho êm chuyện.
Tham nhũng, tiêu cực là thứ “giặc” ai cũng biết nhưng không dễ thấy. Không thấy ở đây là không có bằng chứng để phát hiện, xử lý. Thành công của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua là dám nhìn thẳng vào sự thật, khi dám nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng các công cụ, bộ máy phòng chống tham nhũng tiêu cực vào cuộc thì nhất định sẽ nhìn rõ sự thật, tìm ra bằng chứng và có giải pháp xử lý hiệu quả.