Theo ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Thái Nguyên, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm, có đối tượng rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. Nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng. Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững. Theo đó, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề khác như: Thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản, vì khi một hộ gia đình có ít nhất một người có việc làm bền vững, thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Do đó, công tác hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo có tính chất quyết định thành công trong giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, mục tiêu phấn đấu trong năm là giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2022-2025. Một trong những nội dung được tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện là hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Nội dung được tỉnh tập trung hỗ trợ là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc; Hỗ trợ giao dịch việc làm; Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động, lưu giữ, bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu quản lý lao động; Hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Hiện nay, Sở Lao động – TBXH tỉnh đang triển khai Kế hoạch thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023; phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức Ngày hội việc làm, Phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối việc làm cho lao động.
Tại các phiên giao dịch, người dân và người lao động đã được truyền thông, tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, thông tin, truyền thông chủ trương và chính sách ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền thông tin về lao động, việc làm trong nước, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp. Nhân dịp này, các doanh nghiệp đã tư vấn, giới thiệu và trực tiếp phỏng vấn tuyển sinh, tuyển dụng lao động.
Tại huyện Phú Lương, triển khai Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, trong năm 2023, nguồn ngân sách thực hiện là 678 triệu đồng (ngân sách trung ương 590 triệu đồng, ngân sách tỉnh 44 triệu đồng và ngân sách huyện 44 triệu đồng). Nội dung được phê duyệt hỗ trợ là: Tổ chức 01 ngày hội việc làm cấp huyện; 03 Phiên giao dịch việc làm; 15 hội nghị tuyên truyền về lao động, việc làm tại 15 xã, thị trấn; thu thập, phân tích thị trường lao động… Trên cơ sở đó, UBND huyện đã giao Phòng Lao động – TBXH xây dựng kế hoạch và chủ trì các hoạt động.
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh Thái Nguyên, nội dung "Hỗ trợ tạo việc làm bền vững" cho lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tốc độ triển khai Tiểu dự án vẫn còn chậm do có nhiều văn bản, giấy tờ chưa hoàn tất. Trên cơ sở kết quả đạt được, để tiếp tục hỗ trợ việc làm bền vững giúp người nghèo vươn lên, thời gian tới, tỉnh tập trung đổi mới và tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng tiếp cận đến người dân và người lao động; kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu cụm công nghiệp; Phát triển thị trường lao động và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm; thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp để giải quyết việc làm theo hướng bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp; quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động yếu thế và lao động nữ, nhất là lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với người nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, vùng khó khăn.