Tầu tu lu là một trò chơi hấp dẫn của đồng bào Mông.Tu lu hấp dẫn người chơi bởi cách chơi khá đơn giản. Trên một bãi đất rộng khoảng hơn 50m2, bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm. Tuy nhiên, để có thể thắng đối thủ, người chơi cần có sự khéo léo, độ chính xác cao và sự điêu luyện của đôi tay.
Cầm con quay lên sau khi kết thúc phần chơi của mình, anh Phàng A Súa, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: “Tu lu hay còn gọi là đánh quay là trò chơi dân gian đặc sắc mang tính thượng võ của đồng bào dân tộc Mông. Người đàn ông Mông ở Hang Kia, Pà Cò từ khi còn nhỏ đã có con quay làm bầu bạn và lớn thêm ít nữa đã tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay và thành thục với trò chơi dân gian tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn này”.
Con quay được làm từ những loại gỗ cứng như: lim, nghiến, dẻ, sồi, gốc sơn tra... Trọng lượng con quay được đẽo gọt to, nhỏ khác nhau phù hợp với thể lực người chơi. Thông thường con quay có đường kính từ 7-10cm, nặng khoảng 300-500g. Con quay có hai đầu, một đầu đẽo nhọn và đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Dây quay còn gọi là “cua” được se bằng sợi lanh, dài khoảng hơn 1m nối với một đoạn pảng (gậy) làm bằng cành trúc nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40cm.
Tùy theo mỗi vùng, mỗi bản có hình thức đánh riêng, đó là chơi tự do và chơi đồng đội. Chơi tự do là không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh.
Đồng bào Mông tham gia thi tu lu trong ngày Tết truyền thống dân tộc.Cái thú vị của cuộc chơi là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua 3 vòng. Vòng thứ nhất, thả quay cách vạch ném chừng 3m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 6m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 9 m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất và sự khéo léo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này.
Anh Phàng A Páo, xã Pà Cò (Mai Châu) cho biết: “Cách chơi này khó nhất, để có thể thắng đối thủ, người chơi cần khéo léo, ném chính xác và phải có kinh nghiệm, luyện tập lâu mới giành được giải thưởng.”
Trò chơi tầu tu lu không chỉ thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, độ chính xác cao, tính phán đoán ước lệ và sự điêu luyện của đôi tay mà còn thể hiện khá toàn diện ở nhiều lối chơi đẹp, hấp dẫn cả người chơi và người xem. Thông qua các hoạt động chơi tu lu nói riêng và các trò chơi dân gian nói chung không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thể hiện tình đoàn kết, thương yêu nhau giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản.
Ông Đỗ Duy Sâm, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: hằng năm, vào dịp Tết người Mông, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh đều tổ chức Đoàn đi chúc Tết đồng bào tại địa phương. Chính quyền xã cùng phối hợp tổ chức các trò chơi dân gian ở bản và sân trung tâm xã cho bà con vui Xuân. Tu lu là trò chơi không thể thiếu trong hoạt động Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, thăm hỏi họ hàng, hàng xóm và các đôi trai gái đến tuổi lập gia đình tìm hiểu nhau.
NGHĨA HIỆP