Cũng dịp này đồng diễn ra Lễ ký kết “Chương trình phối hợp thực hiện phát triển phân bón hữu cơ” giữa Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tập đoàn Hùng Nhơn.
Tham dự Lễ ký kết có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Vũ Văn Tám, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Về phía tỉnh Đắk Lắk có ông Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND và các sở, ban ngành tỉnh Đắk Lắk. Về phía Vương quốc Hà Lancó ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan; ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Hues Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus (tại Việt Nam). Về phía Tập đoàn Hùng Nhơn Group có ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn Group.
Phát triển heo giống bằng công nghệ 4.0
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh về heo diễn biến phức tạp và khó lường ở Việt Nam, Hùng Nhơn và De Heus nhận thấy tầm quan trọng của việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, nhu cầu về giống di truyền khỏe và sạch bệnh luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch bệnh để phục vụ việc tái đàn. Xuất phát từ thực tế đó, Hùng Nhơn và De Heus có kế hoạch liên doanh thành lập “Công ty Cổ phần phát triển Heo giống cao sản Đắk Lắk DHN”, cùng thực hiện Dự án “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”.
“Khu chăn nuôi này sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, để sản xuất các sản phẩm theo chuỗi liên kết khép kín, gồm: chọn lọc, sản xuất heo giống, gà giống; giết mổ heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á, có hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế” – ông Vũ Mạnh Hùng nói.
Quy mô sử dụng đất quy mô 200ha, gồm: Khu trang trại chăn nuôi 2.400 heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan khoảng 80ha; Khu trang trại chăn nuôi gà giống 30ha; Nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ 15 ha; Khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; Khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh 30ha; Đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật 25ha. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án 66 triệu USD (tương đương khoảng 1.500 tỷ VND).
Tiến độ thực hiện dự án: Từ quý III/2019 đến quý IV/2025. Với diện tích khoảng 80ha thuộc khu trang trại sẽ cung cấp giống heo di truyền có chất lượng cao và sạch bệnh cho thị trường miền Nam nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung, đồng thời hướng đến xuất khẩu toàn khu vực Đông Nam Á. Trung tâm giống của Công ty có quy mô dự kiến 2.400 heo giống, tổng giá trị đầu tư 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ VNĐ). Đặc biệt, khi dự án đi vào hoạt động sẽ cung cấp heo giống cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP), tại tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, các giống heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt, quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật… Điều này nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh. Quy trình chăn nuôi tại Trung tâm sẽ được áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi trên toàn Trung tâm, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi và kết quả kinh tế.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắc cho biết: “Điểm mới trong dự án này là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm heo giống, đóng góp vào giá trị cuối cùng của sản phẩm thịt heo. Ngoài ra, theo dự kiến, Trung tâm còn tạo ra cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, đào tạo cho tỉnh nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh”.
Bộ NN&PTNT hỗ trợ Đắk Lắk phát triển nền nông nghiệp tiên tiến
Trước đó, ngày 10-3-2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã cùng ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, về nông nghiệp, nông thôn mới (Chương trình số 19/CTPH-BNN-UBNDTĐL, ngày 10.3.2019).
Theo Bộ NN&PTNT, tỉnh Đắk Lắk có đàn bò hiện có trên 252.470 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 13.650 tấn, đứng thứ 2 vùng Tây Nguyên và thứ 9 cả nước; đàn lợn hiện có 769.815 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 132.780 tấn; gia cầm hiện có 10.982.630 con. Đắk Lắk với số lượng đàn ong rất lớn khoảng 220.568 đàn ong và xuất khẩu mật ong lớn nhất Việt Nam, với sản lượng 15.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu 24,6 triệu USD. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 218,1 nghìn tấn, tăng quy mô và tỷ trọng chăn nuôi trang trại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Theo Chương trình phối hợp trên, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm: Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã đa lĩnh vực theo hướng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đến với các sản phẩm chủ lực, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hai bên phối hợp: Nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới; Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất về chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu; Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk về kỹ thuật xây dựng mô hình và mở rộng áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến (Viet Gap, Global Gap...), nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp xanh, sạch... thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh, sản phẩm đáp ứng rộng rãi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ thiết lập hệ thống nhân giống cây trồng, vật nuôi và quản lý chất lượng giống…
Dự án “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước, Việt Nam) là yếu tố rất quan trọng và là mô hình cốt lõi, nhằm thực hiện thành công Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và tỉnh Đắk Lắk, về nông nghiệp, nông thôn mới” – lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3701091716 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cấp. Địa chỉ: Lô A4, KCN Hòa Phú, ấp Phước Hòa, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. - Đại diện ông: GABOR FLUIT - Tổng Giám đốc. De Heus là thương hiệu toàn cầu có hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về dinh dưỡng động vật.
Tập đoàn Hùng Nhơn Group được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3800437933 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp. Địa chỉ: Ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Đại diện ông: Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ. Hùng Nhơn là Tập đoàn đa nghành hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn sử dụng công nghệ tiên tiến và là đơn vị đi lên từ chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu Việt Nam.
THANH LIÊM