Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Tạo môi trường cho trẻ em, nhất là trẻ em DTTS phát triển toàn diện

Nhóm PV - 3 giờ trước

Đây là một trong những nhấn mạnh của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp xã giao bà Silvia Danailov - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, diễn ra sáng 22/4.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tiếp xã giao bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tiếp xã giao bà Silvia Danailov - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam

Tập trung hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi

Tại buổi tiếp, bà Silvia Danailov bày tỏ vui mừng được gặp lại Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ở vị trí mới, là Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Đã cùng Bộ trưởng đi Yên Bái, khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) năm 2024, bà Silvia Danailov khẳng định, Bộ trưởng luôn là người tiên phong trong việc vận động các vấn đề vì trẻ em.

Bà Silvia Danailov cho biết, năm 2025 có nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Đối với Việt Nam, là Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 80 năm đất nước độc lập. Đây cũng là năm Việt Nam đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đồng thời, năm 2025 cũng là năm Kỷ niệm 50 năm UNICEF có mặt tại Việt Nam.

Theo bà Silvia Danailov, hiện UNICEF đang hợp tác với một số cơ quan tại Việt Nam để tư liệu hóa kết quả 40 năm đổi mới và xây dựng những dự liệu liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 năm tới.

“Chúng tôi rất vui tiếp tục được hợp tác với Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 5 năm tới, cũng như thực hiện đánh giá độc lập về Chương trình trong giai đoạn vừa qua”, bà Silvia Danailov đề nghị.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, UNICEF là một trong những tổ chức quốc tế có sự phối hợp sớm nhất với Việt Nam, đặc biệt là phối hợp trong hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải thiện học tập, chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em Việt Nam. Đối với các cam kết quốc tế về trẻ em, Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với UNICEF.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong suốt gần 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, chỉ đạo trực tiếp vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em, Bộ trưởng luôn nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt thành, rất hiệu quả của UNICEF.

“Bây giờ sang lĩnh vực mới, tôi rất là vui mừng được Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam sang thăm, trao đổi công việc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo, với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc và lĩnh vực tôn giáo. Hai lĩnh vực này trước đây thuộc chức năng quản lý của hai bộ khác nhau. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với hai lĩnh vực có tính chất chiến lược này.

“Cuộc gặp này không chỉ đơn thuần là chào xã giao, vì tôi và bà Trưởng đại diện UNICEF đã gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Tôi muốn có tầm nhìn dài hơn trong phối hợp với Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong 2 lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc và công tác tôn giáo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong giai đoạn 2026 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ không dàn trải và định hướng về giảm nghèo đa chiều trong thời gian tới chắc sẽ chỉ còn một chương trình giảm nghèo, tập trung giảm nghèo cho “vùng lõi” ở vùng đồng DTTS và miền núi.

“Ngay trong Chương trình này, cũng sẽ không dàn trải các dự án, mà tập trung vào 4 nhóm vấn đề, đó là hạ tầng, sinh kế, chuyển đổi số và ưu tiên nhóm dân tộc khó khăn đặc thù”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Vì thế, Bộ trưởng rất mong muốn UNICEF tiến hành đánh giá độc lập, đề xuất ý tưởng, những nội dung, công việc cụ thể của giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý đến vấn đề chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là vấn đề tất yếu, đi liền với đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam, chuyển đổi số gần như phải làm mới từ đầu trong đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển. Do đó, thời gian tới, UNICEF cần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhưng nên chuyển hướng lựa chọn sang địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn, miền núi, vùng DTTS. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng đề nghị UNICEF tập trung phản biện, đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua một cách độc lập, khách quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của UNICEF
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác của UNICEF

Quan tâm giảm nghèo đa chiều cho trẻ em DTTS

Tại buổi tiếp, vấn đề giảm nghèo đa chiều cho trẻ em, nhất là trẻ em người DTTS được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Bày tỏ niềm vui mừng trước những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em, nhất là với quyết sách miễn học phí cho học sinh phổ thông, bà Silvia Danailov cũng chia sẻ một số vấn đề về trẻ em cần được giải quyết; trong đó có vấn đề về tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em người DTTS.

“Suy dinh dưỡng thể thấp còi đang là vấn đề khi có tới khoảng 32% tức là hơn 1/3 trẻ em DTTS đang đối mặt với vấn đề này”, bà Silvia Danailov chia sẻ.

Bà Silvia Danailov đề nghị, một trong những điểm mạnh của UNICEF là có chuyên môn về các vấn đề về trẻ em. Do đó, UNICEF mong muốn chia sẻ với Việt Nam, với Bộ Dân tộc và Tôn giáo để giải quyết vấn đề này và chia sẻ các mô hình của Việt Nam cho các nước khác trên thế giới.

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ với bà Silvia Danailov cùng các thành viên đoàn hai bức ảnh, một bức ảnh chuyến công tác của Bộ trưởng lên Sa Pa cách đây gần 1 năm và một bức ảnh Tổng Giám đốc UNICEF tặng đoàn Việt Nam nhân chuyến công tác của Tổng Giám đốc UNICEF đến Hà Giang gặp trẻ em dân tộc Mông.

“Tôi muốn nói câu chuyện đó và cho xem hình ảnh đó là để bà thấy rằng, trong tôi luôn đắm đuối về trẻ em và vấn đề dân tộc, tôn giáo. Nhất là chúng tôi đang chuẩn bị trong tháng 5 này sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị chương trình cho giai đoạn mới 2026 - 2030”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đánh giá cao những chia sẻ của bà Silvia Danailov, đặc biệt là những ý tưởng về giảm nghèo đa chiều cho trẻ em DTTS, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây cũng là điều mà Bộ trưởng mong chờ trong cuộc gặp hôm nay.

Bộ trưởng khẳng định, sau 80 năm Việt Nam độc lập thì trẻ em đang được thụ hưởng thành quả rất lớn. Tuy nhiên, cũng thấy rằng, trẻ em suy dinh dưỡng là 1 trong 2 chỉ tiêu mà Việt Nam không đạt trong thực hiện Nghị quyết 15; hiện đã được thay bằng Nghị quyết 42. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam có khoảng 4,2 triệu trẻ em DTTS. Đây là nhóm đối tượng thiệt thòi nhất, nghèo đa chiều cũng là các cháu này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho bà Silvia Danailov
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho bà Silvia Danailov

Theo Bộ trưởng, bước vào thời kỳ đổi mới thì Việt Nam cần đổi mới tư duy, cách làm về thực hiện chính sách cho trẻ em. Do đó, Bộ trưởng đề nghị UNICEF cùng với Việt Nam thay đổi chiến lược cách tiếp cận đối với trẻ em. Thay vì tiếp cận toàn bộ cộng đồng trẻ em Việt Nam thì UNICEF lựa chọn một đối tượng là trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một vấn đề được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tại buổi chào xã giao là tình trạng không biết tiếng mẹ đẻ của một bộ phận trẻ em người DTTS. Do đó, các trường học phải lưu tâm và đưa vấn đề này vào để giảng dạy.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, về tổng thể trong 5 năm tới, Việt Nam thay đổi một cách căn bản về hai lĩnh vực giáo dục và y tế, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Về giáo dục, cùng với miễn toàn bộ học phí thì thời gian tới sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống trường nội trú, với phương châm làm từ biên giới, miền núi xuống đô thị, chứ không đi từ đô thị làm lên.

“Chúng tôi nỗ lực hướng tới, các em không chỉ được miễn học phí mà được miễn phí toàn bộ tiền ăn. Về y tế thì không phải bây giờ mà lâu nay chúng tôi đều mong muốn mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, ít nhất mỗi người dân hằng năm được thăm khám”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng mong muốn, UNICEF sẽ có một khảo sát chính thức đánh giá toàn diện về trẻ em DTTS, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi để làm căn cứ xác lập những cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoàn toàn tán thành giai đoạn 2026 - 2030 phải tập trung giảm nghèo đa chiều cho trẻ em. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 - 2030, Bộ trưởng cũng mong muốn ít nhất có một tiểu dự án giảm nghèo đa chiều cho trẻ em, nhất là trẻ em DTTS.

“Nhưng chúng ta phải đưa ra được tiêu chí giảm nghèo đa chiều, tập trung vào mục tiêu gì, nguồn lực như thế nào để thuyết trình trước Quốc hội. Nếu không am hiểu về trẻ em thì không thể thuyết trình nổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Tán thành những đề xuất của Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng từ sự đồng thuận của UNICEF, nhất là việc chuyển hướng địa bàn đối tượng hỗ trợ kỹ thuật vào trẻ em, tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng UNICEF sẽ xây dựng một chương trình phối hợp, đi vào các vấn đề đã bàn hôm nay. Với sự quan tâm đặc biệt của hai bên, Chương trình sẽ cố gắng ký kết vào Tháng hành động trẻ em Việt Nam tới đây, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin nổi bật trang chủ
Khai mạc Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2025

Media - BDT - 1 giờ trước
Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2025 với chủ đề "Khâu Vai ngày trở lại"
Nam Giang (Quảng Nam) được phân bổ hơn 4,8 tỷ đồng để xóa nhà tạm

Nam Giang (Quảng Nam) được phân bổ hơn 4,8 tỷ đồng để xóa nhà tạm

Xã hội - T.Nhân - H.Trường - 1 giờ trước
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định phân bổ 4,86 tỷ đồng từ nguồn kinh phí vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh cho huyện Nam Giang, để hỗ trợ xây dựng 81 nhà cho người dân.
Quảng Nam phê chuẩn Bộ chữ viết Cơ Tu

Quảng Nam phê chuẩn Bộ chữ viết Cơ Tu

Tin tức - T.Nhân - H.Trường - 1 giờ trước
Ngày 22/4, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về việc phê chuẩn Bộ chữ viết Cơ Tu, theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung: Việt Nam luôn chủ động tham gia các cuộc đối thoại quốc tế về nhân quyền, tự do tôn giáo

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung: Việt Nam luôn chủ động tham gia các cuộc đối thoại quốc tế về nhân quyền, tự do tôn giáo

Thời sự - Mạnh Hà - Hoàng Quý - 1 giờ trước
Ngày 22 tháng 4 năm 2025, tại trụ sở Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Marc E. Knapper, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân tình, thẳng thắn và xây dựng, phản ánh tinh thần hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và tôn giáo.
Đắk Lắk dự kiến còn 67 xã sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Đắk Lắk dự kiến còn 67 xã sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Trang địa phương - Lê Hường - 3 giờ trước
Ngày 22/4, một lãnh đạo Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND tỉnh, dự kiến sau sáp nhập, Đắk Lắk còn 67 đơn vị hành chính cấp xã.
Nhà trình tường - Sáng tạo của người Mông

Nhà trình tường - Sáng tạo của người Mông

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin sáng ngày 22/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Tôn vinh Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam . Vườn Cherry ở Khánh Vĩnh. Nhà trình tường - Sáng tạo của người Mông. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thăm, làm việc với đồng bào Hrê làng Vi Ô Lăk

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thăm, làm việc với đồng bào Hrê làng Vi Ô Lăk

Trang địa phương - Ngọc Chí - 3 giờ trước
Chiều 22/4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đã đến thăm, làm việc với đồng bào Hrê ở làng Vi Ô Lăk, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông. Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đà Nẵng: Chi tiết tên gọi xã, phường dự kiến khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Đà Nẵng: Chi tiết tên gọi xã, phường dự kiến khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Tin tức - T.Nhân - H.Trường - 3 giờ trước
Ngày 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng khóa XXII đã ban hành Nghị quyết thống nhất điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau đợt sắp xếp.
“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận

“Báu vật sống” của làng Chăm Phú Nhuận

Sắc màu 54 - Thái Sơn Ngọc - 3 giờ trước
Nghệ nhân Châu Thị Đông được cộng đồng dân cư làng Chăm Phú Nhuận (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trân trọng gọi là “báu vật sống”. Bà vượt qua định kiến giới, nỗ lực tự học chữ Chăm, học ngâm diễn Ariya và trình diễn dân ca Chăm, trở thành người truyền cảm hứng trong hành trình gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.
Tránh bẫy phòng giá rẻ, vé giá hời dịp đại lễ

Tránh bẫy phòng giá rẻ, vé giá hời dịp đại lễ

Pháp luật - Minh Nhật - 5 giờ trước
Trong thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo trên mạng đã lợi dụng nhu cầu du lịch tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 để thực hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trồng bông, dệt vải - nét đẹp văn hóa của đồng bào La Chí

Trồng bông, dệt vải - nét đẹp văn hóa của đồng bào La Chí

Photo - Vũ Mừng - 5 giờ trước
Bao đời nay, nghề trồng bông, dệt vải đã trở thành nét đẹp trong đời sống của người La Chí, xã Bản Phùng, tỉnh Hà Giang. Từ những dụng cụ thô sơ, thông qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ La Chí đã tạo ra những sản phẩm dệt với hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống.