Là một cơ sở dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm có tiếng ở vùng đất Ninh Phước (Ninh Thuận), cơ sở dệt thổ cẩm Thanh Đan đã và đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và đã có được thị trường tiêu thụ tại một số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, theo chị Bình Thị Thanh Đan, Giám đốc Cơ sở dệt, những năm trước đây, chị đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết bài toán này, chị Đan thường xuyên tham gia các Hội chợ Thương mại để giới thiệu sản phẩm, cũng như tìm những đầu mối để tiêu thụ sản phẩm. Hiện các sản phẩm dệt từ cơ sở của chị đã được tiêu thụ tại các tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum…
Câu chuyện của chị Bùi Thị Thanh Đan là một trong số rất nhiều câu chuyện đi tìm chỗ đứng cho các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền. Vậy làm thế nào để có thể kết nối thị trường cho sản phẩm?
Tại Hội thảo “Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng, miền và Giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019”, ông Vũ Hòa, Giám đốc chuỗi cửa hàng Đồng Quê cho rằng, để có thể tiếp cận các kênh phân phối, sản phẩm đặc trưng vùng, miền phải bảo đảm các yêu cầu về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cấp. Bên cạnh đó, thông tin trên bao bì phải ghi rõ thành phần, tỷ lệ phối trộn, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc…
“Thiết kế bao bì cho sản phẩm đặc trưng vùng, miền nên gắn với nét văn hóa của dân tộc, vùng, miền đó để tạo cảm xúc tò mò, trải nghiệm đối với khách hàng. Thiết kế bao bì không nên quá nhiều màu sắc, điều quan trọng là phải làm nổi bật được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng”, ông Vũ Hòa nhấn mạnh.
Để hỗ trợ cho người dân nâng cao năng lực, hoàn thiện sản phẩm, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó có việc triển khai Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, đã có 56 tổ chức, cá nhân tham gia với 76 sản phẩm đăng ký, trong đó có 32 sản phẩm đã được gắn sao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tham gia các hoạt động trong tỉnh và các tỉnh bạn. Thu nhập của các tổ chức kinh tế tăng cao từ 1,5 - 2 lần.
Như vậy, có thể thấy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền luôn có sức hút, chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, trước khi nhắc đến những lợi thế đó, thì việc kết nối được các sản phẩm vùng, miền với thị trường là bài toán cần được triển khai, thực hiện ngay từ ban đầu.