Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” gồm các hoạt động như: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ; thực hành hai nghi lễ đặc sắc của ngày Tết Đoan ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ Ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ”. Đây là những hoạt động góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tết Đoan Ngọ, ngày mở đầu mùa nóng nhất trong năm, do vậy trong dân gian và cả triều đình cũng đều có những nghi lễ và tập tục độc đáo.
Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan. Trong đó, nghi lễ cúng tế tổ tiên và lễ ban quạt là hai nghi lễ đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và sự quan tâm đến bề tôi của nhà vua.
“Lễ Ban quạt” thể hiện ý nghĩa nhân văn, đó là sự quan tâm của nhà vua tới quần thần văn võ khi mùa hè đến. Và để nêu cao tinh thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để tỏ ý khuyên răn. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.
Tiếp nối truyền thống ấy, đến dịp Tết Đoan Ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên và Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hành nghi lễ tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ Ban quạt.
Để chống lại cái nóng, phòng dịch bệnh, cha ông ta có nhiều tục lệ độc đáo như: Ăn trái cây, ăn bánh gio, ăn rượu nếp, uống rượu hùng hoàng... để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; hay đến phố Thuốc Bắc để cắt các thang thuốc thảo mộc về làm trà đun nước uống vào giờ Ngọ, mua thảo dược về phòng bệnh; rồi có cả tục xỏ lỗ tai, nhuộm móng chân, móng tay…
Cũng tại chương trình, Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã giới thiệu những món ăn đặc trưng của Tết Đoan Ngọ. “Tết Đoan Ngọ trong cung đình hay ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tiên. Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương và còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ”. Những món ăn truyền thống như rượu nếp và các loại hoa quả được người xưa sử dụng trong ngày này vừa mang ý nghĩa truyền thống đặc sắc của văn hóa Việt Nam và cũng rất tốt cho sức khỏe", Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết.
Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" sẽ trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán cổ truyền, đặc biệt giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Chương trình diễn ra đến hết ngày 9/6.