Hiện nay, người Khmer ở sóc Tà Ngáo ngoài làm nông nghiệp, khai thác và nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, còn phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn trái, vì vậy, UBND xã An Phú đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào.
Bà Nguyễn Thị Chũi, Trưởng ban nhân dân ấp Phú Tâm, xã An Phú cho biết: Cuộc sống người Khmer ở sóc Tà Ngáo chủ yếu dựa vào việc bán trái, nước thốt nốt hoặc làm đường thốt nốt. Cạnh đó, nhiều nhà còn làm ruộng, nuôi thêm bò để cải thiện kinh tế. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng ý thức nỗ lực tự vươn lên của đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo ở sóc Tà Ngáo từng bước kéo giảm.
Nếu như năm 2016, sóc Tà Ngáo có đến 99/193 hộ nghèo, thì đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 54 hộ. Phấn đấu trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong sóc sẽ giảm còn 10 hộ. “Điều đáng mừng là 100% dân số được sử dụng nước sạch nông thôn, 100% đồng bào Khmer được phát thẻ bảo hiểm y tế, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường, đường sá đi lại được thuận tiện, dễ dàng, điện lưới quốc gia đến từng nhà dân, thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Chũi nói.
Cuộc sống người Khmer ở sóc Tà Ngáo đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người nghèo, vì vậy, nhiều người dân tộc Khmer đã biết tận dụng nguồn vốn, đầu tư sản xuất và chăn nuôi như: nuôi bò, dê, trâu, lợn... đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần thoát nghèo bền vững.
Ngồi trong căn nhà mới xây khang trang, vợ chồng chị Nèang Tha La vẻ mặt như rạng ngời hơn. “Giờ yên tâm rồi, có nhà mới khang trang để ở, không phải lo cảnh mưa dột, gió lùa, gia đình tôi rất phấn khởi. Đây là niềm động viên để vợ chồng tôi nỗ lực phấn đấu làm ăn, tiết kiệm, dành dụm để lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”, chị Nèang Tha La nói trong niềm vui sướng.
Được biết, trước đây, gia đình chị Nèang Tha La là một trong những hộ nghèo của sóc Tà Ngáo. Nhà chỉ có vài công ruộng, quanh năm cuốc bẫm cày thuê nhưng cái nghèo, cái đói vẫn bám chặt lấy gia đình.
Từ khi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cho đồng bào dân tộc nghèo, gia đình chị đã chuyển đổi sản xuất, thâm canh gối vụ, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ, khéo thu vén nên gia đình đã có của ăn của để và là một trong những hộ “tiên phong” trong thoát nghèo bền vững.
Giờ đây, diện mạo nông thôn ở sóc Tà Ngáo đang đổi thay từng ngày, giao thông đi lại dễ dàng, điện lưới quốc gia về đến từng nhà dân. Đó là kết quả và cách làm linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc và sự nỗ lực vươn lên của chính bà con dân tộc Khmer trong lao động sản xuất.
PHƯƠNG NGHI