Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 1/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 104.400.367 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.226.065 ca bệnh đang điều trị thì có 22.129.605 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 96.460 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 39.609.225 trường hợp, trong đó có 913.171 ca tử vong và 27.982.751 ca được điều trị khỏi. Hiện các nước châu Âu đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng để ứng phó với làn sóng thứ 3 của dịch bệnh, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến chương trình tiêm chủng tại các nước trong khu vực bị chậm trễ và tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh và Israel.
Liên quan đến nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, ngày 31/3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cuối tuần này, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vaccine bao gồm 67,2 triệu liều vaccine của BioNtech/Pfizer, 29,8 triệu liều của AstraZeneca và 9,8 triệu liều của Moderna. Tuy nhiên, EC cho biết đến cuối tháng 6 tới, nhiều khả năng EU sẽ nhận được ít nhất 300 triệu liều vaccine, trong đó có 55 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định khối 27 quốc gia vẫn đi đúng hướng để đạt được mục tiêu là 70% người trưởng thành được tiêm chủng vào cuối mùa Hè này.
Hiện Bắc Mỹ có 35.875.430 ca nhiễm bệnh, trong đó có 819.334 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 31.166.344 ca nhiễm và 565.256 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.232.910 ca nhiễm và 202.633 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 982.116 ca nhiễm và 22.959 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 136.524 ca nhiễm và 4.639 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại lên lần lượt 21.168.897 và 552.665 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 12.753.258; 2.406.377; 2.348.821; 1.548.807… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Với 995.538 ca, Chile đang trên đà gia nhập các nước có triệu ca nhiễm.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo làn sóng COVID-19 mới đang hoành hành ở khu vực châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết số ca mắc bệnh mới ở khu vực châu Mỹ sẽ tăng lên một cách đáng lo ngại, thậm chí là tại cả các nước đã vượt qua được làn sóng COVID-19 thứ nhất nếu không có những biện pháp đối phó phù hợp.
Tính đến sáng 1/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 28.490.946 trường hợp, với 428.059 ca tử vong và 26.093.254 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 11.969.633 ca bệnh đang điều trị thì có 25.421 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước dẫn đầu châu Á về số ca nhiễm, với 12.220.669 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.317.182 ca.
Tính đến sáng 1/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.251.595 trường hợp, trong đó có 113.036 ca tử vong và 3.814.105 ca bình phục. Trong tổng số 324.454 ca đang điều trị thì có 3.037 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.548.157 ca nhiễm COVID-19 và 52.846 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 400 ca nhiễm COVID-19, trong đó 11 ca ở Australia, 5 ca ở French Polynesia, 371 ca ở Papua New Guinea, 2 ca ở New Zealand và 11 ca ử Wallis and Futuna. Hiện khu vực này ghi nhận 57.040 ca nhiễm và 1.142 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.304 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.627 ca./.