Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể đánh giá một số nét cơ bản về Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030?
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), có khoảng 3,3 triệu hộ sinh sống tại 54 tỉnh, 503 huyện, 5.468 xã, tập trung ở miền núi phía Bắc, phía tây Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đây là những vùng khó khăn nhất cả nước, chủ yếu là vùng núi cao, biên giới, địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến các vùng này, đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (trong đó có 15 đề án và hàng trăm chính sách khác) cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm khá nhanh.
Tuy vậy, kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Đây là vùng lõi nghèo của cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực. Hộ nghèo DTTS chiếm 34,7% tổng số hộ nghèo cả nước... Vì thế, việc ban hành Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết. Chương trình có ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, đối tượng được hưởng là đồng bào vùng DTTS và miền núi, nơi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Trong khi tiềm năng về phát triển nông, lâm nghiệp còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Đồng bào đang rất mong đợi sự đầu tư của Chương trình sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển KT- XH, trong đó có nông, lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân, thay đổi bộ mặt vùng DTTS và miền núi.
Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nội dung mà Chương trình MTQG hướng tới. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả nội dung này khi Chương trình được Quốc hội thông qua?
Để thực hiện có hiệu quả kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện thể chế chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, cụ thể: Sửa đổi Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 theo hướng: Nâng mức hỗ trợ khoán chăm sóc bảo vệ rừng lên khoảng 1triệu đồng/ha, tăng mức hỗ trợ trồng rừng, hỗ trợ tín dụng ưu đãi trồng rừng, tiếp tục thực hiện hỗ trợ gạo để người dân trồng, giữ và chăm sóc rừng để thay thế phát nương rẫy.
Bổ sung cơ chế chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sinh kế gắn với bảo vệ phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, trồng cây dược liệu, phát triển chăn nuôi.
Thứ hai: Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đề xuất nâng mức thu của các đối tượng hưởng lợi từ rừng để nâng mức chi trả và bổ sung các đối tượng ở các vùng miền núi được hưởng chính sách này.
Thứ ba: Phát triển sản xuất nông nghiệp để phát huy thế mạnh của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế của từng địa phương, với các loại cây, con đa dạng; phù hợp với mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và tạo sự chủ động cho các địa phương, cộng đồng và người dân trong phát triển sinh kế.
Thứ tư: Thực hiện tốt công tác khuyến nông, đạo tạo nghề nông nghiệp, chuyển giao công nghệ kỹ thuật sản xuất cho người dân và phát triển các hình thức hợp tác, HTX, liên kết sản xuất; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào chế biến và tiêu thụ nông sản.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!