Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trong mỗi nhiệm kỳ đại hội, Bộ Chính trị đều ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Ngày 14/6/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là văn bản quan trọng, định hướng rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 kế thừa 6 nội dung còn phù hợp của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII và điều chỉnh, bổ sung 9 nội dung, trong đó có một số điểm mới và một số nội dung Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm chỉ đạo và yêu cầu, đó là: Cần tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; đồng thời đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, phải được cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên. Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không “bỏ sót” những người thật sự có đức, có tài, không “để lọt” vào cấp ủy khóa mới những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên gồm những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực để tham gia đóng góp vào các nội dung của Đại hội...
Việc xây dựng và đóng góp ý kiến vào văn kiện phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc để đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được thông tin. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chủ, trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đại biểu. Đại biểu là người dân tộc thiểu số cần phát huy vai trò, kinh nghiệm của mình trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung của Đại hội, nhất là các nội dung, định hướng, nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Cùng với việc kế thừa quy định của các nhiệm kỳ trước, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị yêu cầu chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đặt ra mục tiêu phấn đấu để tỉ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Điều này đảm bảo rằng, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được lắng nghe và đại diện một cách đầy đủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Ngoài việc tăng tỷ lệ, Chỉ thị cũng nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa cán bộ người dân tộc thiểu số, bao gồm cả cán bộ nữ, cán bộ trẻ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Các địa phương được khuyến khích ưu tiên giới thiệu những cán bộ có kinh nghiệm công tác tại địa phương, am hiểu phong tục tập quán, tâm lý người dân để đảm bảo sự gắn bó và hiệu quả trong công tác. Các cấp ủy cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ và cán bộ người dân tộc thiểu số.
Tăng tốc về đích các mục tiêu, nhiệm vụ
Theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Cụ thể: cấp cơ sở là tháng 4/2025; cấp huyện và tương đương (gồm tất cả đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương) là tháng 6/2025; cấp trực thuộc Trung ương là tháng 9/2025.
Hiện nay, toàn Đảng toàn dân, toàn quân đang nỗ lực, tăng tốc, về đích các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ đại hội XIII. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, chuẩn bị công tác văn kiện, nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng gắn với thực hiện các chủ trương, giải pháp đột phá có tính cách mạng (chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tinh gọn tổ chức bộ máy…).
Nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp (xây dựng cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả bão lũ, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xóa đói, giảm nghèo…). Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững, Phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.. đã đem lại những kết quả cụ thể, sinh động góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chúng ta có đầy đủ cơ sở, điều kiện, ý chí, quyết tâm để sẵn sàng tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, vững tin đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, để tiến kịp, tiến cùng thời đại, tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng ngàn đời của toàn dân tộc Việt Nam.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô-tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.