Rất nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng Phường Đúc khi xưa đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684), Chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1804), Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803-1804), Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội” ở Huế… Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, với những biến cố của kinh thành Huế và thăng trầm của lịch sử, những người thợ đúc đồng Huế vẫn truyền đời giữ nghề cho đến hôm nay.
Phường Đúc hiện nay có trên 50 lò với các sản phẩm rất đa dạng: từ đồ lễ nghi như tượng, tráp, quả… cho đến đồ gia dụng như ống bút, bình hoa, xoong, nồi, chảo… Hiện nay đa phần trong số họ tập trung vào việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nghi lễ.
So với các làng nghề khác ở Huế, Phường Đúc hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt nghề nhộn nhịp nhất. Nét đáng quý là quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay. Từ động tác sú đất, nặn khuôn, giáp khuôn, chèn khuôn, bố khuôn để đưa vào lò cho đến công việc nung khuôn - pha chế hợp kim - nấu chảy nguyên liệu rồi ra cơi, rót khuôn, làm nguội, đánh bóng, nhuộm sản phẩm, đó là một quá trình đòi hỏi không chỉ lao lực mà còn thử thách trí tuệ và tài năng của người thợ. Sản phẩm trọi (hoàn hảo) không chỉ mang ý nghĩa lành lặn và giống như đúc với bản rập (mẫu) về mặt ngoại hình mà còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về chất lượng khác.
Những tác phẩm bằng đồng tiêu biểu còn lại trên đất Huế ngày nay như vạc đồng, cửu đỉnh, đại hồng chung ở danh lam Thiên Mụ, khánh, tượng hay chín khẩu thần công trước Hoàng Thành Huế… là niềm kiêu hãnh của những người thợ đúc nơi đây.
BTK