Trên con đường nông thôn mới được đổ bê tông phẳng phiu, ông Guân - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thung, phấn khởi nói: Làng Thung là làng DTTS của xã Hnol, hiện có 135 hộ với 563 khẩu. Trong đó, trên 95% là người dân tộc Ba Na sinh sống. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đoạn đường từ trung tâm xã qua làng, đã được bê tông hóa với chiều dài 3 km. Các đường trục thôn, nội làng được cứng hóa 3,5 km/4,7 km tổng chiều dài đường làng. Giờ đây, giao thông thuận tiện, dân làng Thung đi lại, vận chuyển hàng hoá dễ dàng, ai cũng phấn khởi. Nhờ vậy, thu nhập của bà con cũng tăng lên đáng kể.
Để việc xây dựng đường giao thông nông thôn được nhanh chóng, hiệu quả, các hộ dân trong làng đã chung tay tích cực hiến đất, làm đường. Già làng Rớt chia sẻ: “Tôi không quản sớm khuya tới từng nhà, thậm chí ngoài nương rẫy để tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần đoàn kết, thay đổi nếp nghĩ cách làm, giúp đỡ lẫn nhau giảm nghèo bền vững, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nhiệt tình tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Hiểu được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, dân làng ai cũng đồng tình hiến đất, góp sức xây dựng thôn làng ngày càng phát triển”.
Những năm trước, do tập tục canh tác còn truyền thống, phụ thuộc vào thời tiết nên cây trồng cho năng suất thấp. Nhiều gia đình loay hoay làm việc vất vả mãi vẫn không đủ ăn. Từ khi được xã hỗ trợ vay vốn của ngân hàng và thường xuyên tập huấn về kỹ thuật canh tác, làng Thung đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất giỏi, đi đầu trong phát triển kinh tế như gia đình các ông: Ksiu Plak, Thông, Hlưch, Chinh, Phong... Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mỗi năm, các gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng. Trong làng, những ngôi nhà khang trang kiên cố dần mọc lên, diện mạo làng Thung ngày càng khởi sắc.
Là người đi đầu trong phát triển kinh tế, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, ông Ksiu Plak chia sẻ: Khi ông mới lập gia đình vì chỉ có vài sào lúa nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 1992, được chính quyền địa phương giúp đỡ, ông đã vay tiền từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư làm chuồng nuôi bò sinh sản.
Sau nhiều năm tích lũy từ việc bán bò để mua đất mở rộng sản xuất, cùng với việc tham gia tập huấn để thay đổi tư duy chăn nuôi, sản xuất, đến nay, gia đình ông đã phát triển được 10 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, lúa và chuối, cùng với 5 con bò cái sinh sản. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng. Hiện ông còn còn đầu tư thêm máy móc phục vụ cho sản xuất để nâng cao năng suất lao động.
Theo báo cáo năm 2020, làng Thung có tổng diện tích đất sản xuất gần 540 ha, chủ yếu trồng cà phê, lúa, hồ tiêu, mì. Vài năm trở lại đây, nhờ vay vốn ngân hàng, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nên trong làng đã xuất hiện nhiều hộ điển hình sản xuất giỏi, với mức thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, làng Thung đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện làng còn 18 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và tham gia bảo hiểm y tế; 70% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; bê tông hóa đường giao thông nội làng đạt 46,8%; nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học được đầu tư nâng cấp...
Chứng kiến sự thay đổi của làng trong thời gian qua, già làng Rơt vui mừng cho biết: “Được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, làng mình đã thay đổi nhiều lắm, đường sá đi lại thuận tiện, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vận động, trường học được xây dựng khang trang. Bà con dân làng giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cà phê, lúa, mì... Nhờ vậy, đời sống dân làng được cải thiện hơn trước rất nhiều, cảnh đói ăn, đói mặc đã không còn hiện hữu trong từng nếp nhà”.
Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND xã Hnol đánh giá: Xã Hnol là 1 xã vùng 3 được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự chỉ đạo của huyện, xã được quan tâm đầu tư các chương trình như 135, 168 hỗ trợ giống, phân bón và nhà ở cho người dân, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào chăm sóc cây tiêu, cà phê. Đến nay là đa số các hộ đồng bào DTTS trong xã kinh tế đều phát triển.
"Đặc biệt, làng Thung là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã. Từ năm 2017 đến nay, làng Thung liên tục được công nhận là làng văn hóa. Chính quyền địa phương đang tích cực vận động bà con trong làng làm tường rào, trồng hoa, vệ sinh môi trường... Hiện nay, chúng tôi đang rà soát lại các tiêu chí để phấn đấu đến năm 2025, làng Thung sẽ đạt làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS”, ông Đặng Quang Hà cho biết.