Khoàng Thị Chương, nữ sinh dân tộc Thái say mê nghiên cứu khoa học.
Với đam mê nghiên cứu khoa học, Khoàng Thị Chương đã tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THTP khu vực phía Bắc năm 2018, bằng ý tưởng “bồi dưỡng lòng yêu nước cho các bạn học sinh DTTS qua việc tìm hiểu tấm gương các anh hùng vang danh tại chiến trường Điện Biên Phủ”. Với mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, về lòng biết ơn, Chương đã mượn hình ảnh 32 người chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa để làm nổi bật cho ý tưởng của mình. Với những hình ảnh sống động, tư liệu quý hiếm với ý tưởng sáng tạo, Khoàng Thị Chương đã giành được giải Tư của cuộc thi.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Chương còn là học sinh giỏi môn tiếng Anh của Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Chương chia sẻ, là học sinh của một tỉnh miền núi nên em cũng như các bạn không có điều kiện được giao lưu với người nước ngoài. Điều đó dẫn đến hạn chế trong cách phát âm và phong thái tự tin. Nhưng với tinh thần ham học, chịu khó, Chương đã đã tìm được phương pháp học tiếng Anh cho riêng mình để trau dồi từ vựng cho bản thân. Suốt 11 năm học, Chương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Khoàng Thị Chương xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu tại Lễ Tuyên dương năm 2018.
Hoàng Thái Sâm với sản phẩm máy xé măng hữu ích.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Yên Bái, cuộc sống của Sâm cũng như bà con dân tộc Tày ven TP. Yên Bái gắn liền với nhiều món ăn từ tự nhiên, trong đó có măng. Ngoài làm thức ăn, măng còn được bà con bán cho các công ty thu mua nông sản để xuất khẩu ra nước ngoài. Trước khi bán, bà con phải xé những củ măng tươi ra thành từng sợi. Nhận thấy công việc này chiếm nhiều thời gian mà hiệu quả lại thấp, Hoàng Thái Sâm đã cùng một số bạn sáng chế ra chiếc máy xé măng. Chiếc máy của Sâm sáng chế giúp tăng năng suất từ 5kg/giờ lên tới 50kg/giờ, đồng thời từng sợi măng được xé ra đều nhau.
Hiện chiếc máy xé măng của Sâm và nhóm nghiên cứu vẫn đang được thầy cô trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành hướng dẫn, tư vấn để hoàn tất đưa ra thị trường. Theo Sâm cho biết, giá một chiếc máy khoảng 5 triệu đồng.
Lý Giới An với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng tấm lợp Fibroximăng cho người dân.
Hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Lý Giới An luôn đặt cho mình mục tiêu trở thành một kỹ sư ngành Khoa học kỹ thuật. Trong bảng thành tích nghiên cứu của mình, Lý Giới An đã có nhiều đề tài hữu ích có thể áp dụng được vào đời sống. Trong đó phải kể đến đề tài “Chế tạo vật liệu composite từ xơ dừa tươi và nhựa phế liệu”. Nhìn thấy từ thực tế, khi vỏ dừa khô là nguồn nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến xơ dừa xuất khẩu thì hàng trăm triệu tấn vỏ quả dừa tươi sau khi lấy nước trở thành rác thải ở các đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là túi nilon cũng là một nguồn rác gây ô nhiễm. Vì vậy, An đã nghiên cứu để tạo ra vật liệu mới theo nguyên lý của công nghệ chế tạo vật liệu composite từ túi nilon và vỏ quả dừa tươi.
Theo An cho biết, sản phẩm này có tính ứng dụng cao, có thể thay thế gỗ làm nguyên liệu trong sản xuất đồ gỗ, trong xây dựng thay cho những tấm lợp Fibroxi măng và vật liệu trang trí nội thất. Trong thời gian tới, Lý Giới An cùng nhóm nghiên cứu sẽ bổ sung chất phụ gia để tăng khả năng chịu nhiệt của vật liệu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, tự động hóa quy trình công nghệ và phạm vi ứng dụng.
Lương Thị Thúy, dân tộc Tày, (tỉnh Tuyên Quang): Mong muốn sau khi ra trường được về công tác tại quê hương.
Em Lương Thị Thúy, sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, em rất háo hức, mong chờ đến Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm nay, dù đây là lần thứ 2 em được tham dự. Ước mơ được đi du lịch khám phá vẻ đẹp của mọi miền Tổ quốc của cô gái 20 tuổi, đến từ thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang tỉnh Tuyên Quang đã nuôi lớn niềm đam mê học tập các môn xã hội. Em đã phấn đấu đạt thành tích học tập đáng nể khi 2 năm liền đạt giải ba và khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Dù đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học nhưng Thúy vẫn tham gia kỳ thi THPT quốc gia như các bạn với số điểm đạt 24,5 cho 3 môn khối C. Thúy chia sẻ mong muốn sau khi ra trường được về công tác tại quê hương, góp phần phát triển du lịch Tuyên Quang.
Lương Thị Thúy tâm sự, học sinh dân tộc ngày càng được địa phương quan tâm, tạo điều kiện học tập, phát triển khả năng bản thân nên hầu hết không ai bỏ học, nhiều bạn nỗ lực tiếp tục theo học đại học, để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.
Trương Trần Thu Hà, dân tộc Pu Péo:
Chọn ngành Kế toán-Kiểm toán của Trường Đại học Thương mại để theo học, em Trương Trần Thu Hà ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho rằng, không ai có thể chọn được xuất phát điểm nhưng có thể thay đổi được tương lai bằng quyết tâm, vượt lên chính mình. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hà đã xác định vững vàng tinh thần: luôn chăm chỉ, cố gắng học tập. Ngoài việc học trên lớp, em còn tìm tòi nhiều tài liệu tham khảo, học từ bạn bè để nâng cao kiến thức. Hà còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường như: hát, nhảy, cũng là sở thích khiến Hà dễ dàng hòa nhập với các bạn.
Là sinh viên năm nhất, mới ra Hà Nội học tập và cũng là lần đầu tiên được dự Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2018, Hà chia sẻ cảm xúc hồi hộp, tự hào vì được mặc trang phục dân tộc, được kết bạn với nhiều các bạn dân tộc khác trên cả nước.
HỒNG MINH - HỒNG PHÚC