Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã được xây dựng hết sức công phu, chi tiết trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng cũng như chính sách pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu đã cho ý kiến rất sôi nổi và toàn diện xoay quanh các vấn đề: Khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; chống biến đổi khí hậu; cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; định hướng phát triển và phân bổ không gian lãnh thổ…
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo, Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho ý kiến về khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng không hiệu quả, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Theo đại biểu, để khắc phục tình trạng trên, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Theo đó, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch ngành quốc gia, kiểm soát nguồn nước, đê điều, cung cấp nguồn nước sạch... Thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu.
Quan tâm đến vấn đề định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nêu rõ, vấn đề giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp thì phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Tuy nhiên, quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên còn tương đối thấp. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị tăng diện tích của khu công nghiệp tại Tây Nguyên trong giai đoạn tới để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại Hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mởi nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch; đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 26 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian; đề nghị đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.