Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó, ngày 26/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và đã thảo luận tại các tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Qua tổng hợp thảo luận tại tổ đã có 140 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo, được Chính phủ phân công đã có báo cáo làm rõ một số nội dung và giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ.
Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tổ cho thấy, đa số kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Các ý kiến tán thành với 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật như trong Tờ trình của Chính phủ, thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu ý kiến cho ý kiến và các vấn đề lớn mà đã được gợi ý trong Báo cáo thẩm tra để dành thời gian phát biểu vào các nội dung trọng tâm và cho biết, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Tổng Thanh tra Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các nội dung mà được các vị đại biểu quan tâm.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Việc sửa đổi Luật Thanh tra cũng là thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Một số đại biểu đề nghị Luật Thanh tra (sửa đổi) cần: đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra, kiểm toán; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra…
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã tiếp thu và giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm: Các quy định về tổ chức hoạt động của Thanh tra huyện; hệ thống cơ quan thanh tra trong ngành, lĩnh vực; trình tự thủ tục thanh tra; quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra…
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện từng nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới.