Nhiệm vụ do Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị làm chủ đầu tư với mục tiêu xác định trữ lượng carbon và lượng giá trị của thảm cỏ biển. Từ đó có giải pháp bảo tồn, hướng đến việc bán tín chỉ carbon. Khu vực nghiên cứu là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ.
Theo Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương. Giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3,8 ngàn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm. Cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 - 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Việc bảo tồn và phát triển cỏ biển có thể tạo ra tín chỉ carbon có giá trị trên thị trường. (Năm 2022, giá tín chỉ carbon dao động từ 11 - 35 USD, cao hơn giá tín chỉ thông thường, từ 8 - 10 USD).
Theo đó, phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh Quảng Trị đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.