Giao thông là yếu tố then chốt, được chú trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giúp người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế. Triển khai CTMTQG, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu, là tiền đề quan trọng để hoàn thiện diện mạo nông thôn vùng khó.
Tại nhiều địa phương vùng khó trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giao thông hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản đi lại của người dân, còn vẫn khó khăn trong quá trình sản xuất và thu mua nông sản. Nhằm giúp người dân vùng khó thuận lợi trong phát triển kinh tế, các tuyến đường giao thông đang từng bước được mở rộng.
Ông Trần Đức Thanh (xã Hoành Mô) cho biết: “Gia đình tôi có trên hơn 5ha đất rừng trồng cây hồi và cây quế. Trước kia để thu hoạch được hoa hồi, chúng tôi phải gánh về nhà rồi mới mang đi bán được, vất vả lắm. Từ tháng 1/2019, tuyến đường giao thông kết nối 2 thôn Loòng Vài - Co Sen hoàn thành, người dân đã chuyên chở sản phẩm bằng xe máy; thương lái có thể đánh xe ô tô tải đến tận bìa rừng để thu mua, rất thuận tiện".
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng bố trí đủ nguồn vốn để ưu tiên phát triển giao thông hạ tầng, điển hình như xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 4B vào trung tâm xã Hà Lâu, nơi diễn ra hoạt chợ phiên mỗi cuối tuần là con đường bê tông đã xuống cấp trầm trọng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch xã Hà Lâu cho biết: “Xã đã trình và được phê duyệt Đề án “Chợ phiên Hà Lâu”, hoạt động sẽ gắn với du lịch cộng đồng. Nhưng hiện nay, con đường dẫn từ quốc lộ vào xã còn rất nhỏ, hẹp, nhiều người ngại đến vì xe chở hàng không thể tránh được nhau. Hy vọng nguồn lực từ CTMTQG tới đây, tuyến đường sẽ được mở rộng, kết nối xuyên suốt các vùng du lịch trong tỉnh, qua đó thu hút bà con DTTS đến giao thương tại chợ, đồng thời thu hút được khách du lịch đến với địa phương”.
Để hoàn thiện hệ thống giao thông, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí trích một phần kinh phí từ nguồn vốn của CTMTQG, theo đó tỉnh đã bố trí cơ chế dành 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương), để thực hiện phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch vùng, miền; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục…
Kế hoạch thực hiện tỉnh Quảng Ninh đề ra được triển khai cụ thể từ Dự án 4 Chương trình MTQG, trọng tâm là: Các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối các khu vực tiềm năng phát triển về du lịch, thương mại vùng khó khăn (Ba Chẽ, Bình Liêu) với các địa phương phát triển (thành phố Hạ Long, Móng Cái); Các tuyến đường giao thông liên huyện Ba Chẽ - Tiên Yên; các tuyến đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 18C đến các xã Đồng Văn, Lục Hồn (Bình Liêu); từ Quốc lộ 4B kết nối với cửa khẩu Hoành Mô, kết nối với tuyến đường Ba Chẽ - Hạ Long; Các tuyến đường liên xã kết nối giữa các xã (vừa ra khỏi diện khó khăn và ĐBKK) khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, tập trung tại các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà; Các tuyến đường kết nối 3 cửa khẩu: Hoành Mô - Bắc Phong Sinh - Móng Cái...
"Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 162.500 người DTTS, cư trú trên 85% diện tích của tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo ra sức bật lớn để vùng khó trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025, và trở thành các địa phương đạt nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thiện nông thôn mới nâng cao từ nay đến năm 2030”, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.